Ngày 25/1, theo thông báo của UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của UBND TP Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và an toàn cho người dân, du khách, tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) năm 2022 cho đến khi có thông báo mới.
Trong Chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mới đây, Hà Nội quyết định tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Cũng trong ngày 25/1, lãnh đạo thành phố Hội An cho biết, UBND thành phố Hội An ban hành quyết định về việc tạm dừng hoạt động "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ", "Phố đêm", hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ và làng gốm Thanh Hà trong dịp Tết.
Đối với hoạt động "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" và "Phố đêm", chính quyền TP.Hội An quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 3 Tết (từ ngày 29/1 đến ngày 3/2/2022). Riêng đường Trần Phú (đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến chợ Hội An); đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến chợ Hội An) và đường Bạch Đằng (đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến chợ Hội An) bắt đầu tạm dừng từ ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 3 Tết.
Đối với hoạt động hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ và làng gốm Thanh Hà, UBND TP.Hội An quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 3 Tết.
Trước đó, nhiều địa phương đã có thông báo tương tự.
Tại Bắc Ninh, ngày 11/1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thông báo tỉnh Bắc Ninh sẽ tạm dừng tổ chức lễ hội hoạt động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự: các nghi lễ chỉ do các chức sắc tôn giáo tại cơ sở đó thực hiện. Đối với các địa phương được tổ chức nghi lễ tâm linh: phần lễ không quá 10 người và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngày 14/1, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ tháng 1 Âm lịch đến hết tháng 3 Âm lịch) và bắn pháo hoa trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tối đa tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người; hạn chế tối đa số người tham gia cùng thời điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ, giỗ chạp, các hoạt động vui chơi giải trí.
Ngày 15/1 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các địa phương dừng toàn bộ các hoạt động lễ hội tập trung đông người.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dừng tập trung đông người khi không cần thiết. ây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Điện Biên không bắn pháo hoa đón năm mới.
Thái Bình dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của lễ hội đền Trần năm 2022 tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà; dừng tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch năm 2022.
UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu tạm dừng bắn pháo hoa tầm cao đêm Giao thừa, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chỉ tổ chức lễ hội khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh.
Ninh Bình tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa và không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm...
Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ. Các di tích, danh thắng, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim được mở cửa đón khách nhưng phải tuyệt đối đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy tắc phòng chống dịch bệnh.
Lâm Đồng tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết…
T.B