leftcenterrightdel
 Việc bảo tồn, trùng tu di sản sẽ thuận lợi hơn nhờ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Ảnh: Bảo Minh

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Quỹ Bảo tồn di sản Huế được Trung ương thành lập, ủy quyền cho tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý và hoạt động theo quy định của Nghị định Chính phủ.

Đây là Quỹ được thành lập nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân sách của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đóng góp để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

leftcenterrightdel
Việc bảo tồn, trùng tu di sản sẽ thuận lợi hơn nhờ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Ảnh: Bảo Minh 

Đây là Quỹ bảo tồn của Trung ương thành lập nên các tỉnh có điều kiện hỗ trợ cho quỹ quốc gia chứ không phải hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, bản chất của Quỹ bao gồm Quỹ ngoài ngân sách và Quỹ xã hội phục vụ cho trùng tu và bảo tồn di sản, việc đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật xây dựng, Luật di sản…

Cho nên, việc thành lập Quỹ sẽ thuận tiện trong việc huy động vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và được phép nhận hỗ trợ của nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trong nước ủng hộ để trùng tu di sản.

Quỹ sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc huy động nguồn lực và quản lý sử dụng các nguồn vốn huy động được, đẩy nhanh tiến độ trùng tu di sản văn hoá, vừa đảm bảo theo quy định của nhà nước hiện hành, đồng thời, đảm bảo tính công khai minh bạch các khoản chi, tạo niềm tin lâu dài cho các tổ chức và cá nhân tài trợ vốn.

“Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong với Thừa Thiên Huế trong việc huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.

Cụ thể là việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi các dự án di sản văn hóa Huế do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh từ nay sẽ chủ động, kịp thời, không theo niên độ tài chính do xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc biệt, Quỹ còn có các nhiệm vụ chi khác như mua tranh ảnh, di sản cổ vật; Hỗ trợ, tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công tác bảo tồn, trung tu và phát triển văn hóa Huế…”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương thì thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn được cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu, tôn tạo, bảo tồn một số công trình di tích; cũng như có nguyện vọng đóng góp, đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản riêng biệt nhằm minh bạch và đầu tư đúng địa chỉ tài trợ để chung tay cùng với tỉnh trong công tác trùng tu, bảo tồn các di sản, di tích của quốc gia và thế giới đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

Theo thống kê, tổng số tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế trong 10 năm qua là hơn 250 tỉ đồng.

Ngoài ra, có một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương mong muốn cùng chia sẽ hỗ trợ trùng tu, bảo tồn và phát huy một số công trình di sản.

Cụ thể như thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế để trùng tu, tôn tạo lại di tích Hải Vân Quan. Tuy nhiên, do vướng quy định của Luật Ngân sách nên khó khăn trong đóng góp để thực hiện.

“Với việc Quốc hội thông qua việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế”, từ nay việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong việc trùng tu, tôn tạo di sản sẽ thuận lợi hơn, cũng như không còn những vướng mắc liên quan Luật ngân sách như câi chuyện trùng tu Hải Vân quan nữa”, ông Phương cho biết.

Tường Minh

Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/thua-thien-hue-se-co-quy-bao-ton-di-san-hue-973913.ldo