leftcenterrightdel
Châu Phi hình như đang “miễn nhiễm” với Covid-19? 


Tại Nhật Bản, cuối tháng 8 vừa qua, đại dịch đạt đỉnh, gần 26.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng sau 3 tháng, con số giảm mạnh. Đặc biệt, Nhật Bản không ghi nhận bất cứ ca tử vong vì Covid-19 nào kể từ 7/11 và tới nay, chỉ ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi ngày (24 giờ).

Người ta không khỏi ngạc nhiên khi Nhật Bản đã cho phép các nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại, nhưng số ca nhiễm mới lại không tăng. Trong khi đó, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu đang hứng chịu những làn sóng lây nhiễm mới, số ca mắc trong ngày liên tục phá kỷ lục, cho dù cũng thực hiện chính sách mở cửa tương tự như Nhật Bản và độ bao phủ vaccine toàn dân cao.

Truyền thông quốc tế gọi tình hình dịch Covid-19 ở Nhật Bản là “sự im ắng bất thường”. Giới chuyên gia y tế Nhật Bản cũng không có nhiều phát biểu về thực tế này, trong khi người dân rất hào hứng khi mà các hoạt động đều đã được khôi phục và dịch bệnh tưởng chừng như đã lùi xa.

Vui mừng, nhưng ông Ituro Inoue, Giáo sư Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản vẫn cảnh báo: “Delta từng khiến các biến chủng khác không lan rộng ở Nhật Bản. Nhưng lúc này biến chủng Delta đã không còn, các biến chủng khác sẽ có cơ hội lấp chỗ trống”.

Tới đây, câu hỏi đặt ra là liệu Covid-19 có kết thúc tự nhiên giống SARS, khi virus tự hủy diệt, không thể nhân lên được nữa? Trả lời, ông Inoue cho rằng, không phải không có khả năng, nhưng mong đợi điều đó lúc này là “hơi sớm”.

Cùng với Nhật Bản là châu Phi, khi mà diễn biến dịch Covid-19 ở đây được coi là “khó có thể lý giải dù dưới bất cứ góc nhìn nào” - theo Reuters. Châu Phi, nơi được đánh giá là thiếu điều kiện y tế, thiếu vaccine, các quan chức y tế thế giới từng lo ngại hàng triệu sinh mạng có thể bị đại dịch cướp đi. Nhưng thật bất ngờ là chưa quốc gia nào ở châu lục này rơi vào tình thế khủng hoảng vì Covid-19. Trong khi đó, dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy các ca mắc Covid-19 ở châu Phi đã giảm kể từ tháng 7 năm nay. WHO đã mô tả đây là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới” bởi Covid-19.

Một dẫn chứng mới nhất là trường hợp của Zimbabwe: Quốc gia này chỉ ghi nhận 33 ca mắc Covid-19 mới và không có trường hợp tử vong nào. Các chuyên gia bối rối, giới bác sĩ thì nhàn rỗi còn chính quyền và người dân thì hoan hỉ.

Nếu như tại Nhật Bản, tỉ lệ vaccine bao phủ hơn 75% dân số thì với châu Phi, con số đó chỉ là 6% (theo WHO). Vậy thì nguyên nhân nào khiến châu Phi như thể “đứng ngoài” đại dịch Covid-19? Câu trả lời không dễ dàng, trước hết là do thời gian chưa đủ để đúc rút. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều đó là do tỉ lệ người trẻ ở châu Phi cao (độ tuổi 20 so với 43 ở Tây Âu), có khả năng miễn dịch tốt, cùng đó là tỉ lệ đô thị hóa thấp và lối sống dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn của cư dân cũng có thể đã giúp họ tránh được những tác động lây nhiễm, chết chóc của virus.

Cũng có ý kiến cho rằng, lý do di truyền hoặc quá khứ có thể đã từng nhiễm các bệnh ký sinh trùng của cư dân châu Phi (như sốt rét), cũng giúp họ có được kháng thể và hệ miễn dịch khỏe khoắn.

Tuy nhiên, giới khoa học y học nghiêng về giả thiết virus SARS-CoV-2 có thể đã biến đổi gene trong quá trình tự nhân bản. Về nguyên tắc, khi tích lũy quá nhiều đột biến trên một protein có chức năng sửa lỗi di truyền, virus mất dần khả năng tự sửa lỗi rồi “tự hủy diệt”. Nhưng Salim Abdool Karim - nhà dịch tễ học tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), thì lại cho rằng “chúng ta vẫn cần phải tiêm phòng cho tất cả để chuẩn bị cho đợt tiếp theo. Nhìn vào những gì đang xảy ra ở châu Âu, khả năng có thêm nhiều ca nhiễm tràn sang đây là rất cao”.

Khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, thế giới lo ngại đại dịch sẽ giết chết hàng triệu người châu Phi bởi đó là châu lục có điều kiện sống và y tế kém. Song đến nay, theo Hãng tin AP, thảm họa đã không trút xuống châu Phi, thay vào đó lại là những điều bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại cho rằng, con số nhiễm SARS-CoV-2 ở châu Phi được công bố thấp là do ít xét nghiệm, hoặc giả việc thu thập dữ liệu Covid-19 có thể chưa chính xác, khi mà hệ thống giám sát được cho là ở tình trạng chắp vá.

Châu Phi hiện có khoảng 1,3 tỉ dân nhưng cho tới cuối tháng 10 chỉ ghi nhận 8,4 triệu ca mắc Covid-19 và cũng chỉ thực hiện tổng cộng 70 triệu xét nghiệm. Dữ liệu của WHO cũng cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.   

 Bà Wafaa El-Sadr, Chủ nhiệm bộ môn Y tế toàn cầu (Đại học Columbia, Mỹ), nêu vấn đề: Châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại Covid-19 như ở châu Âu và Mỹ. Song bằng cách nào đó, họ có vẻ đang sống tốt hơn. Phải chăng đó là điều bí ẩn mà chúng ta phải gấp rút khám phá. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda cho biết họ nhận thấy những bệnh nhân Covid-19 từng bị bệnh sốt rét cao ít có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hoặc nguy cơ tử vong, so với những người chưa từng bị sốt rét.

Ông Devi Sridhar, phụ trách y tế công cộng toàn cầu (Đại học Edinburgh) lại cho rằng, hệ miễn dịch của người châu Phi khá tốt bởi họ đã từng trải qua những dịch bệnh khủng khiếp như Ebola, bại liệt và sốt rét. Nhưng, nói như Tiến sĩ Johannes Marisa, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Zimbabwe thì “sự tự mãn là thứ sẽ tiêu diệt chúng ta bởi vì chúng ta có thể bị tấn công mà không hề hay biết”.

Thanh Đức

Nguồn Báo Đại đoàn kết
Link bài gốc

http://daidoanket.vn/bat-ngo-covid-19-bien-mat-5673230.html