Rút ngắn thời gian cách ly y tế với F1 đã tiêm đủ vaccine

Công văn này thay thế Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Tại công văn này, F1 tiêm đủ mũi vaccine phải cách ly tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).

leftcenterrightdel
 

Việc ban hành công văn mới này được Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương.

Theo công văn mới ngày 21/2, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế tổ chức việc cách ly y tế với F0 và F1 phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương.

Theo đó, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Trong quá trình cách ly, nếu F1 có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới nhất áp dụng từ hôm nay

Cũng từ hôm nay, ngày 21/2, giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới sẽ được áp dụng theo Thông tư 02/2022/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành.

Thông tư này áp dụng đối với các trường hợp: thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 bao gồm 3 chi phí.

Thứ nhất, chi phí lấy mẫu và bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm;

Thứ hai, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch COIVD-19 của cán bộ và nhân viên y tế).

Thứ ba, chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, Thông tư 02 quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 từ ngày 21/2 như sau:

Xét nghiệm nhanh mẫu đơn:

Mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm COVID-19 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn:

Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 186.600 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:

Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).

Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Trong đó, sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định.

+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 que: 223.300 đồng/xét nghiệm; gộp 03 que: 175.100 đồng/xét nghiệm; gộp 04 que: 151.000 đồng/xét nghiệm; gộp 05 que: 136.600 đồng/xét nghiệm;

+ Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 que là 110.600 đồng/xét nghiệm; gộp 07 que là 103.800 đồng/xét nghiệm; gộp 8 que là 98.600 đồng/xét nghiệm; gộp 9 que là 94.600 đồng/xét nghiệm; gộp 10 que là 91.400 đồng/xét nghiệm;

+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 mẫu tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 mẫu: 257.000 đồng/xét nghiệm; gộp 03 mẫu: 208.800 đồng/xét nghiệm; gộp 04 mẫu: 184.700 đồng/xét nghiệm; gộp 05 mẫu: 170.300 đồng/xét nghiệm...

+ Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 mẫu là 145.300 đồng/xét nghiệm; gộp 07 mẫu là 138.500 đồng/xét nghiệm; gộp 08 mẫu là 133.300 đồng/xét nghiệm; gộp 09 mẫu là 129.300 đồng/xét nghiệm; gộp 10 mẫu là 126.100 đồng/xét nghiệm.

N.H

Nguồn
Link bài gốc