Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19".
Tại mục 5.4 về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm có nêu rõ: Người mắc COVID-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc COVID-19 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:
"Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác"
Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Tuy nhiên nội dung này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Trước việc dư luận có nhiều cách hiểu này, tối ngày 14/3, Tổ biên tập hướng dẫn đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT cho rõ, tránh hiểu nhầm:
Hướng dẫn mới nhất này của Bộ Y tế thay thế Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế: số 261 ngày 31/01/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và số 528 ngày 03/03/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19.
Hướng dẫn mới nhất này quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 như: Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0; Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.
Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
Về chế độ ăn uống, sinh hoạt: Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... Không bỏ bữa. Người bệnh ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
Nên nghỉ ngơi. Đối với người lớn nên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì tâm lý thoải mái.
Tổ biên tập cũng đã sửa lại mục 5.1.3 tại quyết định 604 "Người lớn (trên 16 tuổi)" là "Người trên 16 tuổi".
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h ngày 14/3 cho biết cả nước đã tiêm gần 200,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 13/3, cả nước tiêm 189.673 liều vaccine.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 13/3 là 183.127.441 liều, trong đó mũi 1: 70.912.760 liều; Mũi 2: 69.296.792 liều; Mũi bổ sung: 14.459.451 liều; Mũi 3: 28.458.438 liều
Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 95%; Còn lại 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.
Về số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.051.806 liều gồm mũi 1: 8.747.265 liều; Mũi 2: 8.304.541 liều.
Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2vaccie phòng COVID-19 trên 90%; Còn 6/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh, sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine phòng COVID-19 Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).
N.H