Thanh Bình
Cập nhật lúc, Thứ tư, 20/04/2022
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi 4 loại thuốc điều trị tăng mỡ máu chống chỉ định cho người châu Á
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với các thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg, lý do là thuốc có chống chỉ định cho người châu Á. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/4/2022.
Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở đăng ký, nhập khẩu thuốc phối hợp với cơ sở sản xuất gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc, tiến hành thu hồi toàn bộ các thuốc chứa hoạt chất nêu trên, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 1/5.
Thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg sử dụng cho bệnh nhân tăng cholesterol máu nặng và có nguy cơ cao về tim mạch.
Tại Việt Nam hiện có 4 thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin hàm lượng 40mg là:
1. Rofast 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci) 40mg; Viên nén bao phim; SĐK: VN-22058-19.
2. Lipidorox 40mg (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin 40 mg); Viên nén bao phim; SĐK: VD-1507-06
3. Crestor (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin calcium 40mg Rosuvastatin); Viên nén bao phim; SĐK: VN-8438-09
4. Avitop 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci 40mg); Viên nén bao phim; SĐK: VN-19620-16.
Sở Y tế các tỉnh thành phố, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc, thu hồi thuốc nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện quyết định này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.
Rosuvastatin được dùng cùng chế độ ăn kiêng, là thuốc có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu (LDL), tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL) và làm giảm triglycerides (một dạng chất béo có trong máu). Rosuvastatin thuộc nhóm thuốc statin. Rosuvastatin được sử dụng trong các chỉ định bệnh như sau: Điều trị tăng mỡ máu nguyên phát: bệnh nhân có nồng độ trong máu cao gồm: tổng thể cholesterol cao, LDL – C, apolipoprotein B, triglycerides và cholesterol lipoprotein trọng lượng phân tử không cao và tăng HDL – C trong máu bệnh nhân Điều trị tăng nồng độ triglyceride trong máu Rối loạn mỡ máu nguyên phát (tăng lipoprotein type 3) Điều trị trên bệnh nhi từ 7 đến 17 tuổi và người lớn bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử Điều trị trên bệnh nhi từ 8 đến 17 tuổi bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử (HeFH) Các chỉ định khác: Làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch ở người lớn. Điều trị dự phòng làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, sốc, và biến chứng phức tạp khác ở bệnh nhân nam giới ≥ 50 tuổi và nữ giới ≥ 60 tuổi có bệnh lý mạch vành hoặc chỉ đang có yếu tố nguy cơ mắc bệnh (như: huyết áp cao, HDL-C thấp, hút thuốc, tiền sử gia đình có người mắc bệnh mạch vành) |
T.B