leftcenterrightdel
 Nhiều máy móc trang thiết bị y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh "đắp chiếu" không sử dụng

Máy móc, thiết bị "bỏ xó", thỉnh thoảng "chạy 1 lần" cho đỡ hỏng

Theo phản ánh của hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế), đơn vị này hiện đang gặp khó khăn về tài chính, phải nợ 50% lương người lao động từ tháng 5.2021. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã phải đi làm thêm với đủ thứ nghề để kiếm sống.

Thế nhưng, một nghịch lý khiến cho các cán bộ, nhân viên của bệnh viện bức xúc hơn bao giờ hết, đó là tình trạng rất nhiều máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện hiện đang đắp chiếu, phủ bụi, gây lãng phí.

Nguyên nhân, theo cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện, một phần là do trang thiết bị được mua sắm, đấu thầu nhiều nhưng lại không đồng bộ với nguồn nhân lực, các thiết bị hiện đại nhưng không có người vận hành, chỉ biết "nằm chờ tương lai".

leftcenterrightdel
  Tem kiểm định trên một thiết bị đang bỏ không, không được sử dụng. 
leftcenterrightdel
 Kiểm định chất lượng vẫn còn giá trị đến năm 2022 trên một nồi hấp hai vỏ đang bỏ không lãng phí tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Qua thực tế khảo sát của PV Lao Động, tại nhiều khoa, phòng của bệnh viện, tình trạng mà các cán bộ nhân viên y tế nêu trên là có thật. Rất nhiều máy móc, trang thiết bị y tế, trong đó có cả những hệ thống máy móc trị giá tiền tỉ, cũng đang "để không", không sử dụng. Có chiếc máy vẫn còn dán tem kiểm định đến năm 2022, có thiết bị còn mới đã "bỏ xó" trong khu xử lý rác thải y tế vì... chưa biết mang đi đâu.

Kể từ ngày 31.12.2020, Khoa Lão và Khoa Tim mạch của bệnh viện sáp nhập, nhận bàn giao trang thiết bị y tế, nhưng đến nay đã gần 1 năm, các thiết bị vẫn "chỏng chơ" nằm ở xó phòng, các nhân viên y tế chỉ biết lấy vải hoặc nilon phủ lên để bảo quản và tránh bụi.

Chị Nguyễn Thị Hằng- Điều dưỡng trưởng Khoa Lão- Tim mạch (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, "chỉ riêng tại khoa chúng tôi đã có ba loại máy đang "để không" trong phòng khám bệnh tại tầng 4 của bệnh viện, chưa từng được sử dụng một lần nào. Cụ thể, các máy này gồm: Máy siêu âm Doppler mạch máu cầm tay, hệ thống Holter điện tim, máy đo điện tâm đồ gắng sức.

Vài tuần một lần, tôi sẽ cắm điện, bật cho máy chạy một lần cho đỡ bị hỏng. Hiện tại khoa chưa đưa vào sử dụng và kế hoạch sử dụng như nào cũng chưa thấy, qua kiểm kê thì tôi được biết các máy này được nhập từ giai đoạn 2018-2019"- chị Hằng cho hay. 

leftcenterrightdel
Tại khoa Thăm dò chức năng, dàn máy điện não 34 kênh đang không được sử dụng, đóng hộp mới nguyên, để trên nóc tủ.

Theo chị Hằng, từ năm 2019 Bệnh viện Tuệ Tĩnh bắt đầu tự chủ và không có những nguồn chi thường xuyên.

"Thế nhưng phải mất tiền tỉ để mua sắm máy móc trang thiết bị về bỏ xó như vậy thì rất lãng phí. Cán bộ, nhân viên y tế lại chưa được đào tạo, chưa có chứng chỉ để làm. Trong khi những trang thiết bị thiết yếu như máy điện châm, máy hồng ngoại thì lại rất hạn chế mua”, chị Hằng nêu nghịch lý. 

leftcenterrightdel
Máy móc, trang thiết bị y tế "để không" tại Khoa Lão - Tim mạch 

"Máy tán sỏi laze khoảng hơn 3 tỉ đồng hay hệ thống máy xét nghiệm hỗ trợ sinh sản IVF có giá khoảng 7-8 tỉ đồng hiện đang để tại tầng 7, phải dùng khóa cửa chống trộm... nhưng không được sử dụng đến"- chị Hằng nêu vấn đề. 

Phòng chật chội nhưng có đến 2 máy nội soi

Cùng thực trạng trên, tại Khoa Ngũ quan, máy móc để không, không được sử dụng. Việc này không những lãng phí mà còn chiếm nhiều diện tích, khiến nhân viên y tế khổ sở.

Chị Trần Thị Thúy Hòa - Điều dưỡng tại khoa Ngũ quan cho biết: “Khoa Ngũ quan có ba chuyên khoa lẻ sáp nhập thành. Phòng tai mũi họng rất nhỏ, nhiều khi bệnh nhân ho, hắt hơi còn bắn cả vào mặt nhân viên y tế trong khi chúng tôi cũng không được trang bị đồ bảo hộ. Chật chội như thế mà phòng phải chứa đến hai máy nội soi, một cũ một mới, không sử dụng hết".

leftcenterrightdel
Một chiếc tủ bảo ôn còn mới, chưa từng được sử dụng nhưng hiện đang bị "vứt chỏng trơ" tại nhà chứa chất thải y tế của bệnh viện 

Tình trạng máy móc để không lãng phí này có ở hầu hết các phòng, khoa của Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Tại Khoa Thăm dò chức năng, có những thiết bị được nhập về nhiều năm nhưng vẫn còn nguyên trong hộp.

"Máy sấy dược liệu cũ trị giá hàng trăm triệu vẫn dùng được, có những lúc dùng không hết công suất nhưng bệnh viện lại mua thêm 1 máy sấy dược liệu mới hiện vẫn chưa lắp đặt và đưa vào sử dụng"- anh Nguyễn Trung Sang (Khoa Dược) chia sẻ

Chị Tạ Thị Hương- Phó Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết: “Dưới góc độ phòng hành chính, chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh của các cán bộ, nhân viên y tế về một số máy móc hiện đang để không, không sử dụng đến. Nhiều loại máy móc, trang thiết bị y tế khác rất đắt tiền nhưng hiệu suất sử dụng lại rất ít, không có hiệu quả".

Theo chị Hương, đây là sự lãng phí lớn "nhìn thấy được". Trong khi đó, tập thể cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện đang bị nợ lương nhiều tháng qua, đời sống vô cùng khó khăn.

"Lương cho cán bộ nhân viên còn chưa trả đủ huống gì là kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề? Để sử dụng được máy móc thì phải đi học, phải có chứng chỉ. Vấn đề đào tạo, suốt thời gian qua cũng chưa được các cấp quản lý quan tâm”- chị Hương ngậm ngùi nói.

Liên quan đến sự việc trên chúng tôi cũng đã liên hệ Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Đại diện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam không cung cấp thông tin mà chỉ thông báo: Ban Giám đốc sẽ trả lời báo chí "sau khi có kết quả từ Thanh tra Bộ Y tế". (Thanh tra Bộ Y tế đã về làm việc tại học viện từ tháng 10.2021).

 

Theo phản ánh của nhiều cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Đông, Hà Nội) từ tháng 5.2021 đến nay, họ chỉ nhận được 50% mức lương theo hợp đồng khiến cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhiều người phải bán rau, ship hàng hoặc làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt.

Nhiều lần làm đơn kiến nghị lãnh đạo bệnh viện nhưng chưa nhận được phản hồi, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã gửi đơn kiến nghị đến các các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Y tế với mong muốn được cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.


Thùy Linh - Sỹ Công

Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/xa-hoi/bv-tue-tinh-nhieu-trang-thiet-bi-y-te-phu-bui-dap-chieu-khong-su-dung-974513.ldo