Cuối chiều 14-9, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã có cuộc họp với nhóm quản trị và xây dựng phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ sức khỏe điện tử, trong đó có đề cập đến về xử lý các lỗi trên phần mềm tiêm chủng Covid-19.
Theo Bộ Y tế, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do một công ty viễn thông vận hành và hiện đang cung cấp miễn phí với 4 phân hệ: Cổng đăng ký thông tin quốc gia, hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và hệ thống báo cáo điều hành. Khả năng đáp ứng của nền tảng 5 triệu mũi/ngày; 42.000 bản tiêm đồng thời. Hiện đã có gần 6,7 triệu số điện thoại thông minh cài Sổ sức khỏe điện tử.
|
|
Khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật trên phần mềm tiêm chủng vắc-xin Covid-19
|
Từ cuối tháng 7, Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương đẩy mạnh triển khai ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử nhằm hỗ trợ người dân đăng ký tiêm chủng, quản lý sức khỏe toàn dân.
Thực tế vận hành cho thấy hiện còn nhiều vướng mắc trong cập nhật, quản lý dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Trong đó, còn nhiều cơ sở tiêm chưa nhập dữ liệu kịp thời nên người dân đi tiêm nhưng chưa có chứng nhận tiêm chủng trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và cổng thông tin tiêm chủng.
Đáng lưu ý, nền tảng chưa hoạt động ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi, trục trặc. Trong khi đó, dữ liệu các thành phần nền tảng chưa hoàn toàn liên thông dữ liệu, dẫn đến số liệu báo cáo chưa chính xác, gây khó khăn cho các cơ sở tiêm chủng khi lập kế hoạch và cơ quan quản lý không nắm chính xác tiến độ tiêm. Dữ liệu kết quả tiêm chủng của nền tảng tiêm chủng hiện cũng chưa liên thông hệ thống chứng nhận tiêm được ký số theo tiêu chuẩn EU và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hiện công tác vận hành cũng gặp một số vướng mắc, như người nước ngoài đã tiêm chủng tại Việt Nam và người Việt Nam/người nước ngoài đã tiêm ở nước ngoài và hiện sống ở Việt Nam, có nhu cầu được cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng", nhưng các nền tảng này lại chưa có chức năng theo nhu cầu.
Ngoài ra, hệ thống quản lý điều hành cũng chưa hoàn thiện, thiếu một số chức năng cho người quản lý điều hành cấp; số liệu thống kê chưa chính xác. Đặc biệt, các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng .
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 mới có danh sách gần 9.000 điểm tiêm chủng, trong khi thực tế có khoảng 18.000 điểm tiêm chính thức và rất nhiều các điểm tiêm lưu động. Do đó, nhiều người dân khi cập nhật sẽ không tìm được địa điểm nơi mình đã tiêm chủng, nên không đủ thông tin cần thiết. Đây cũng là nguyên nhân phần mềm sẽ không tiếp nhận thông tin đưa lên hệ thống.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin đã thống nhất sẽ thành lập tổ công tác, duy trì họp giao ban hàng tuần để kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục. Thiết lập các bộ phận hỗ trợ người dân, cơ sở tiêm chủng, các địa phương trong cập nhật, xử lý dữ liệu tiêm chủng để sớm cung cấp "thẻ xanh vắc-xin", "thẻ vàng vắc-xin" cho người dùng trong tham gia giao thông, học tập, làm việc thời gian tới đây. Đồng thời kết nối với hệ thống chứng nhận tiêm theo tiêu chuẩn EU và WHO.
Bộ Y tế cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai chứng nhận điện tử được ký số theo tiêu chuẩn quốc tế về tiêm chủng vắc-xin và xét nghiệm Covid-19.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện đơn vị cung cấp phần mềm "Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19", cho biết trong 4 ngày vừa qua đã có khoảng 800.000 người gửi phản ánh việc gặp các rắc rối khi truy vấn thông tin tiêm chủng cá nhân, trong đó 60% phản ánh có liên quan việc "đã tiêm rồi nhưng cổng chưa cập nhật thông tin" hoặc "tiêm đủ 2 mũi nhưng mới chỉ cập nhật 1 mũi", "sai thời gian tiêm", "đã gửi thông tin lên hệ thống nhưng chưa được cập nhật"... Các phản ánh này chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Đến ngày 13-9, qua so sánh dữ liệu cá nhân, còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật dữ liệu lên ứng dụng tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
N. Dung