Sáng 17/8, tại phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, luật sửa đổi lần này đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được tặng “Kỷ niệm chương” và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được tặng “Huy hiệu”, đồng thời bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”,“Tập thể lao động xuất sắc” trong CAND do Chính phủ quy định.

Có tình trạng yêu cầu nộp kinh phí để được giải thưởng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc.

Cùng với đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”… Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tặng danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”.

Dự thảo luật lần này có hình thức “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc” để tặng hoặc truy tặng cho nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân, có công lao to lớn, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó có “Huân chương Dũng cảm” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Một số đề xuất ban đầu về “Huân chương Tấm lòng vàng” hoặc “Huân chương Vì cộng đồng” để tặng cho cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác xã hội, từ thiện không được Ban soạn thảo trình ra tại phiên họp này.

Liên quan đến thi đua, khen thưởng khu vực ngoài nhà nước, qua giám sát, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế. Trong quá trình tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đề ra, không đảm bảo tính khách quan và chính xác, dẫn đến một số doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh, biểu dương, nhưng thành tích chưa tiêu biểu xuất sắc.

Bên cạnh đó, một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại, hoặc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức.

Ngoài ra còn có tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng, gây ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đảm bảo “tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII xác định.

Phát biểu khai mạc trước đó ít phút, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác thi đua yêu nước, thi đua khen thưởng, trong đó làm sao hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, xa, núi hải đảo.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng thi đua khen thưởng cũng “chạy”: Chạy danh hiệu, chạy bằng khen, giấy khen, chạy anh hùng. Thậm chí có trường hợp vừa phong “anh hùng” xong đã phải xử lý rồi. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc sửa luật cần phải làm sao để khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu" hiện nay.

Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong
Link bài gốc

https://tienphong.vn/co-tinh-trang-yeu-cau-nop-kinh-phi-de-duoc-giai-thuong-post1366654.tpo?fbclid=IwAR05mwD8Zrnw2jnG6pf6cgvdoXKE0rc0AXGaapJrqHdlBvlzK2oPcz3aTXM