Theo báo Người lao động, đề cập đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây bức xúc tiếp tục xảy ra trong thời gian gần đây, từ điểm cầu Thừa Thiên Huế, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân 2021 cần cập nhật những vấn đề đang được người dân quan tâm

Theo ông Lê Bá Trình, nhân dân đã có được niềm tin từ việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra, gây hoang mang cho nhân dân, đặc biệt các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch, làm nhân dân mất niềm tin. Điều nhân dân cần là nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.

"Vừa qua, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, liên quan đến phòng chống COVID-19. Ví dụ như vụ tiêu cực ở công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành… Phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm"- ông Lê Bá Trình gợi mở.
leftcenterrightdel
 Ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ảnh: Internet


Ông nhấn mạnh người dân dân mong muốn Đảng, Nhà nước làm rõ vi phạm, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì xử lý nghiêm.

“Cụ thể là làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế liên quan tới việc Công ty Việt Á sản xuất và nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi. Đồng thời, phải làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đã đề xuất để khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho doanh nghiệp này như một sự thừa nhận, có biểu hiện của sự bao che, tạo điều kiện cho Việt Á thực hiện việc làm sai trái, lừa dối nhân dân, tham nhũng tiền của Nhà nước”, ông Trình nói.

Theo báo Tiền phong, chung quan điểm, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, vi phạm của Công ty Việt Á là vụ liên quan đến toàn dân, liên quan đến tiền của nhân dân, sức khỏe của nhân dân, liên quan đến mối quan hệ các cấp và cả lòng tin.

“Đây là sự lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan nhà nước cũng có. Vì thế cần đưa nội dung này vào trong báo cáo về tình hình nhân dân. Người dân phản ứng hết sức dữ dội, quá nhiều thông tin liên quan đến vụ việc này cần làm rõ”, ông Truyền đề nghị.

Trước ý kiến trên, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trong hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ không cần làm nhiều mà nên tập trung chọn 1- 2 vụ trọng điểm và làm đến nơi đến chốn, đến tận nơi để "giám sát, phản biện thực sự ra vấn đề, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân".

Tuấn Kiệt (tổng hợp)


Nguồn Thương hiệu và pháp luật
Link bài gốc

https://thuonghieuvaphapluat.vn/de-nghi-lam-ro-trach-nhiem-cua-bo-y-te-va-bo-khcn-trong-vu-cong-ty-viet-a-d49792.html