Sẽ có thêm nhiều tình huống bất ngờ?!
Giải trình về sự cố tàu mất tín hiệu ngày 7-12, đại diện Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho rằng, đây chỉ là một sự cố diễn tập. Thời gian tới sẽ có thêm những tình huống tương tự mà hành khách không được báo trước.
Thông tin trên đã khiến nhiều người dân đặc biệt là những hành khác đi tàu thường xuyên tỏ ra lo lắng. Ông Phạm Văn Trung ở đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ khi tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành người dân rất phấn khởi vì được sử dụng loại phương tiện giao thông mới hiện đại, sạch sẽ. Tuy vậy, thông tin Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước cho hành khách khiến ông không khỏi hoang mang.
“Từ trước đến nay mỗi khi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn ở bất cứ khu vực nào, lực lượng chức năng cũng có lịch và thông báo trước cho người dân để họ chuẩn bị. Nếu không báo trước, lỡ trong lúc diễn tập xảy ra sự cố gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân thì phải xử lý ra sao. Chưa nói đến việc nhiều hành khách cao tuổi mắt mờ chân chậm, bị bệnh tim mạch, huyết áp khi sự cố bất ngờ xảy ra họ phải làm thế nào? Việc làm này chẳng khác nào mang hành khách ra làm vật thí nghiệm” - ông Trung bày tỏ.
|
|
Diễn tập là điều nên làm song không được ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách |
Đánh giá sự việc Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước cho hành khách dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành cho phép diễn tập PCCC, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn… để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra .
Tuy vậy các hoạt động diễn tập phải dựa trên các quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai và phải được thông báo trước tới những người có liên quan.
Do vậy, việc Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước cho hành khách đã đẩy họ hoàn toàn rơi vào trạng thái bị động, bất ngờ không được phòng bị nên đã tạo ra sự hốt hoảng, lo sợ đối với không ít người, hạn chế quyền của họ khi tham gia giao thông công cộng. Bên cạnh đó, điều này còn gây mất thời gian cho hành khách.
Hành khách bị ảnh hưởng có thể khởi kiện?
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước cho hành khách khi chưa có quy định về diễn tập trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không và kể cả đối với hệ thống đường sắt quốc gia là thiếu căn cứ pháp lý.
Diễn tập không phải là sự kiện bất khả kháng, cũng không phải là tình thế cấp thiết. Pháp luật hiện hành chưa cho phép cơ quan chức năng được diễn tập các sự cố bất ngờ mà không báo trước cho người dân. Việc bắt hành khách tham gia diễn tập một cách bất đắc dĩ không hề báo trước đối với tàu đường sắt đô thị là quá nguy hiểm, đặc biệt là với hành khách là người già yếu, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.
Luật sư Hồng Vân cũng cho rằng, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về dịch vụ cung cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, Điều 60 Luật Đường sắt 2017 cũng nêu rõ, hành khách được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật.
Việc diễn tập đối với hệ thống phương tiện giao thông công cộng mới là điều nên làm song không được ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách. Trước khi diễn tập, đơn vị tổ chức cần phải thông báo trước để người dân lựa chọn đồng ý hay không đồng ý tham gia. Nếu số lượng người tham gia chưa đạt thì có thể tuyển tình nguyện viên.
Trường hợp phương án diễn tập bất ngờ của phía đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây ảnh hưởng xấu đến công việc, quyền lợi của hành khách thì họ có thể khởi kiện đơn vị vận hành để đòi bồi thường thiệt hại - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.