leftcenterrightdel
 Một khu nhà xã hội tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Vật lộn với giấc mơ an cư

Ra Hà Nội sinh sống được hơn 10 năm nay nhưng vợ chồng anh Quân, chị Hương cùng hai đứa con nhỏ vẫn phải sống trong căn nhà trọ chưa đầy 20m2 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cả hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập tháng gần 20 triệu đồng/tháng nhưng phải chi tiêu nhiều nên số tiền tiết kiệm không được bao nhiêu. Ngần ấy năm ra Hà Nội sinh sống, lập nghiệp nhưng cả hai vợ chồng anh Quân vẫn chưa đủ can đảm để nghĩ đến việc mua đất, mua nhà.

“Tôi đang tính vài năm nữa khi dành dụm được nhiều hơn thì sẽ đi vay ngân hàng, người thân để mua một căn nhà ở xã hội hay một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành rồi xây nhà” - anh Quân chia sẻ dự định.

Cùng hoàn cảnh, anh Trần Văn Thắng (31 tuổi, quê Thanh Hoá - công nhân Công ty Sản xuất linh kiện ô tô DENSO Việt Nam tại Đông Anh - Hà Nội) rời quê lên Thủ đô làm công nhân từ năm 23 tuổi. Nhiều năm làm việc không nghỉ, anh Thắng mới dám lập gia đình vì đã có khoản tiền tích cóp. Hiện anh Thắng cùng vợ đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Cả hai vợ chồng thuê 2 gian phòng thông nhau thành một căn phòng rộng hơn, có tivi và điều hoà.

Dẫu vậy, với anh Thắng đó chỉ là cuộc sống tạm bợ, anh luôn ước mơ có thể mua nhà ở Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu đó, anh Thắng và vợ cũng có khoản tiền dành dụm sau nhiều năm làm công nhân. Anh Thắng cho biết, anh cũng từng đi xem trực tiếp, tham khảo các khu nhà ở xã hội gần khu công nghiệp Thăng Long nhưng mọi thứ đều rất khó khăn để mua. Vậy nên anh tính sẽ mua miếng đất nhỏ ở ngoại thành rồi mới cất nhà.

Nếu mua được nhà, anh và vợ phải vay nợ thêm ngân hàng. Cuộc sống cũng sẽ áp lực hơn nhiều vì suốt ngày lo “cày cuốc” trả nợ.

“Nhưng xa quê đi làm, tôi chưa muốn dừng lại, tôi mong mình có thể an cư ở thành phố này” - anh Thắng nói.

Còn anh Nguyễn Thanh Tâm - công nhân Công ty Yamaha Motor Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) may mắn hơn vì đã nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội gần với nơi làm. Anh Tâm làm hồ sơ mua nhà ở xã hội từ tháng 4.2020 thì đến tháng 7.2021 nhận được thông báo chuẩn bị bốc thăm số căn cũng như diện tích căn nhà. Tuy nhiên, đến nay vẫn im ắng vì tình hình dịch bệnh phức tạp.

Theo chia sẻ của anh Tâm, mặc dù đã chuẩn bị gần đủ số tiền để đóng mua nhà, nhưng nếu sắm thêm nội thất, gia dụng chắc phải vay thêm ngân hàng.

“Cánh cửa” ngày càng hẹp dần

Có thể thấy, khao khát của những người xa quê lên Hà Nội lập nghiệp có một ngôi nhà nhỏ dù ở ngoại thành hay như thế nào đi chăng nữa cũng là một hạnh phúc lớn. Tuy nhiên, với khả năng của họ khó mà đáp ứng đủ, họ luôn cần phải dựa vào những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ các ngân hàng, từ người thân.

Trong khi đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9.12.2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý là đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia đã có ý kiến cho rằng, việc loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất ở khối ngân hàng thương mại là quy định rất cần được xem xét toàn diện.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, theo ông Châu cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014:

“Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 thì nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội”, ông Châu nói.

TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia tài chính của Quỹ đầu tư DG Investment cho rằng, rất nhiều người nghèo đang muốn mua nhà ở xã hội nhưng khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, họ không dễ tiếp cận vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội khi các quy định có phần cứng nhắc. Nên chăng cần có sự đánh giá xem xét lại về quy định hồ sơ xét điều kiện mua nhà ở cũng như xét vay để mua, thuê nhà ở xã hội nhằm tránh việc tháo chỗ này thắt chỗ khác và người nghèo vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua nhà xã hội là rất cao. Nếu Ngân hàng Nhà nước loại bỏ ưu đãi trong thời điểm hiện nay thì cũng nên khuyến khích các ngân hàng có chính sách cho vay khác dễ dàng hơn. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ đáp ứng để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Cao Nguyên - Đỗ Phương


Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/cong-doan/giac-mo-an-cu-voi-nguoi-lao-dong-ngay-cang-xa-953534.ldo