Xe qua Vành đai 3 phải trả phí
Cơ quan xây dựng phương án cho biết, hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu xe; ô tô là 0,6 triệu xe.
Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, tuy nhiên do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Để triển khai các lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 (Đề án quản lý xe cá nhân) đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tháng 7/2017, thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã giao cho đơn vị tư vấn xây dựng đề án thành phần có tên “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô). Hiện đơn vị tư vấn đã có báo cáo kết quả xây dựng đề án với Sở GTVT.
Theo đơn vị tư vấn, nội dung quan trọng nhất của đề án là khảo sát, lên phương án lập các trạm thu phí xe ô tô vào nội đô. Cụ thể, sau một thời gian thực tế, tính toán và làm việc với các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm, đơn vị tư vấn đã đưa ra 87 vị trí để lập trạm thu phí xe vào nội đô.
Hầu hết các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Năm 2025 bắt đầu thí điểm thu phí
Đánh giá về giải pháp thu phí này, đơn vị tư vấn cho rằng, việc thu phí đối với phương tiện giao thông đường bộ vào một số khu vực là giải pháp kinh tế. “Giải pháp này có mục đích là nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
|
Mặc dù hình thức thực hiện này đã được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, tuy nhiên đối với nước ta vẫn là một vấn đề vừa mới vừa quan trọng”, đại diện cơ quan tư vấn đề án thông tin.
Đề cập lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn đề án cho biết, có ba giai đoạn, gồm: Từ năm 2021 - 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; Từ năm 2025 - 2030: xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Theo đơn vị tư vấn, sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng với đó xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
Tránh “phí chồng phí”
Đại diện Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (TDSI) - đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Quản lý phương tiện giao thông cho thành phố Hà Nội thông tin, thu phí phương tiện vào nội đô là đề án rất quan trọng đối với kế hoạch giảm xe cá nhân, giải quyết ùn tắc trong khu vực nội đô Hà Nội từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Việc lập các trạm để thu phí phương tiện đi vào nội đô giờ cao điểm cũng là giải pháp mà các thành phố như Singapore, London (Anh)… đang thực hiện rất thành công.
PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải nói rằng, ông ủng hộ các giải pháp để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường được thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ đưa ra.
Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, để giải quyết được vấn đề ùn tắc, cần nắm rõ bản chất của ùn tắc giao thông tại Hà Nội là gì. Khi thu phí vào nội đô, cần có giải pháp đồng bộ, khoa học.
Theo ông Tâm, vấn đề ùn tắc ở Hà Nội hiện nay là do hạ tầng giao thông phát triển mất cân đối so với tốc độ đô thị hóa, trong đó có xây nhà cao tầng, dẫn đến tình trạng dân cư tập trung ngày càng đông vào khu vực trung tâm.
“Nếu mấy năm trước mỗi dịp sinh viên, học sinh nghỉ hè, đường phố Hà Nội có khoảng ba tháng thông thoáng, không ùn tắc, nhưng hiện nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 và sinh viên, học sinh vẫn chưa đi học nhưng đường Hà Nội vẫn ùn tắc kéo dài. Điều này chứng tỏ hạ tầng chưa đáp ứng được với sự phát triển đô thị và tăng dân số cơ học, còn phương tiện chỉ là một yếu tố gián tiếp”, ông Tâm phân tích.