Tại buổi họp báo chiều nay (20/9), ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, về nguyên tắc và định hướng lớn, sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố.

Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết. Không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

Học sinh chưa được trở lại trường

Theo ông Dũng, thành phố phân cấp cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức hậu kiểm và xử lý các trường hợp vi phạm; tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt tại các điểm phong tỏa.

"Thành phố đề nghị mọi cá nhân, tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp '5K' của Bộ Y tế cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh," ông Dũng nói.

Thông tin thêm, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ 4, thành phố đã tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

"Trên cơ sở đó, thành phố xác định, việc nới lỏng một số hoạt động từ 6 giờ ngày 21/9 nhằm mục tiêu vừa duy trì hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân....," ông Phong chia sẻ.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết thêm Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ ban hành Chỉ thị mới, trước mắt là áp dụng cho 2 tuần tới, nhưng thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để có thể kéo dài thời gian thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện. Đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới” vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

“Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được,” ông Phong nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Phong thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Tiếp tục dừng vận tải hành khách công cộng

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho hay ngành giao thông đang tham mưu cho thành phố về các biện pháp đảm bảo giao thông vận tải trên địa bàn sau giãn cách xã hội đợt 4.

Theo đó, sẽ tiếp tục duy trì các chốt tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô để đảm bảo kiểm soát ra, vào thành phố. Đối với vận tải hàng hoá ra vào thành phố, vẫn kiểm soát chặt chẽ như hiện nay đang triển khai. Với vận tải hành khách công cộng, tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải đi và đến Hà Nội cũng như trong nội thành cho đến khi có thông báo mới.

Cũng theo ông Viện, đối với vận chuyển hàng hoá trong nội đô, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho vận tải hàng hoá lưu thông. Đối với vận tải hàng hóa bằng xe hai bánh, Sở đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất giải pháp với thành phố.

“Ngoài lực lượng shipper hiện nay, Sở đang nghiên cứu cho phép mở lại một số shipper công nghệ hoạt động với tần suất phù hợp để đảm bảo vận chuyển hàng hoá mang về,” ông Vũ Văn Viện cho biết.

Sớm ban hành tiêu chí an toàn

Liên quan đến nguồn cung hàng hóa, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định qua 4 lần giãn cách, ngành này vẫn thực hiện tốt chức năng đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân.

Đặc biệt trong đợt thứ 4 giãn cách, Hà Nội phân làm 3 vùng, Sở đã xây dựng phương án phục vụ bảo đảm nguồn cung và hàng hoá cho 3 vùng, đặc biệt là vùng 1 được siết chặt hơn.

Cụ thể, Sở đã chủ động làm việc hệ thống phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, hợp tác xã sản xuất kinh doanh để triển khai cụ thể cung ứng hàng hoá; phương án được đưa ra cụ thể, chi tiết như yêu cầu siêu thị đưa hàng dự trữ hàng vào kho trong địa bàn vùng 1, bảo đảm vận chuyển 24/24 để có nguồn cung hàng hoá cho người dân.

Do đó, nhu cầu hàng hoá của người dân được đáp ứng, giá cả không tăng đột biến. Sở cũng phối hợp các địa phương thu mua hàng hoá, tránh dư nguồn cung, phối hợp tổ chức đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tiêu thụ trái cây khi sức mua hạn chế.

“Trong thời gian tới, để bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Sở Công Thương sẽ tham mưu thành phố để ban hành tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp triển khai phương án bảo đảm sản xuất; tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, báo cáo thành phố hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp các vấn đề đang vướng mắc về vốn, thị trường, giảm lượng hàng tồn kho…,” bà Lan nói.

Kiểm soát 11/13 khu vực nguy cơ rất cao

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh, đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.

Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và xét nghiệm diện rộng. Đến nay, đã kiểm soát được 11/13 khu vực nguy cơ rất cao.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho biết thành phố tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở vaccine được phân bổ của Bộ Y tế.

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra vào thành phố sau khi hết thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài.

leftcenterrightdel
 Các siêu thị và hệ thống phân phối luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng chống dịch, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hoá.../.

Xuân Quảng
Nguồn Vietnam+
Link bài gốc

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-tu-219-bo-kiem-soat-giay-di-duong-van-hoc-online/741978.vnp