Ông Vũ Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn & Đào tạo Nhân sự chủ chốt KeyPerson đã đưa ra một số nhận định vô cùng đáng lưu ý cho sinh viên và nhân sự đang làm việc trong khối ngành này.
Trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, nền kinh tế Việt Nam cũng đang chuyển mình vô cùng mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, giới chuyên gia đánh giá rằng thị trường nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ có rất nhiều biến chuyển.
Theo Thạc sĩ Vũ Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Key Person (công ty chuyên tư vấn, đào tạo nhân sự chất lượng ngành TCNH và là đối tác của nhiều Ngân hàng, Trường ĐH lớn) đã đưa ra nhận định: Rất nhiều vị trí, công việc trong hệ thống ngân hàng sẽ biến mất, nhưng đồng thời nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí tiềm năng khác sẽ phát sinh và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
PV: Với kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo tài chính ngân hàng, ông nhận định những vị trí nào trong ngành này sẽ có nguy cơ biến mất trong tương lai?
Ông Vũ Việt Dũng: TCNH là ngành ứng dụng công nghệ thông tin lớn nhất trong các ngành, có thể thấy các hệ thống công nghệ thông tin nền tảng, công nghệ lõi đã được áp dụng từ rất sớm và liên tục được cập nhật.
Với ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng của công nghệ thông tin đến ngành NH, những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại của ngành này sẽ dần bị thay thế dần bằng máy tính, trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, ngày nay khách hàng thường sử dụng hệ thống Internet Banking, Auto Banking, ít thực hiện giao dịch trực tiếp tại NH, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng vị trí giao dịch viên tại NH sẽ giảm xuống. Nhiều học viên thuộc thế hệ GenZ của tôi nói rằng họ gần như không phải ra quầy giao dịch vì tất cả mọi nhu cầu của họ đều có thể được thực hiện online.
Bản thân tôi hiện nay cũng đang cộng tác với một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ để đưa ra các giải pháp tối ưu hóa quy trình trong ngành TCNH, giúp gia tăng năng suất lao động và giảm thiểu rủi ro. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ làm phát sinh nhiều vị trí mới, do đó nhu cầu tuyển dụng trong ngành TCNH vẫn còn rất lớn.
Theo ông bao nhiêu năm nữa những vị trí lặp đi lặp lại như Giao dịch viên sẽ biến mất hoàn toàn? Họ có thể chuyển đổi sang các vị trí khác trong Ngân hàng không?
Những vị trí này không thể biến mất ngay do nhu cầu giao tiếp của con người vẫn luôn hiện hữu và trong bối cảnh hiện tại, phần lớn thế hệ Gen X, Gen Y vẫn có thói quen đến giao dịch tại Ngân hàng. Tuy vậy, những nhân viên đang làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại này vẫn luôn cần phải trau dồi thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức mới để phù hợp với xu hướng, bởi những công việc này vẫn có thể được cải tiến và đổi mới để có thể nâng cao năng suất lao động của nhân viên cũng như kết quả kinh doanh của tổ chức trong tương lai. Ngoài ra, khi có sự dịch chuyển trong cơ cấu nhân lực, các Ngân hàng cần xây dựng cho những nhân viên này lộ trình học tập và phát triển năng lực phù hợp với từng người.
Việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ làm phát sinh nhiều vị trí mới trong ngành TCNH, đó là những vị trí nào?
Đó là những công việc liên quan đến công nghệ, tài chính như những vị trí làm việc trong Ngân hàng Số, các công ty Fintech, Mobile Money, P2P Lending, Digital Marketing & Sales... Những công việc này sẽ liên quan đến cả công nghệ lẫn tài chính ngân hàng, nghĩa là một nhân viên làm trong ngành TCNH không phải chỉ cần giỏi về mặt chuyên môn (TCNH) đơn thuần mà cần phải hiểu, cũng như áp dụng được những xu hướng, công nghệ mới trong công việc hàng ngày để tránh bị tụt hậu.
Đặc biệt, những công việc liên quan tới Tư vấn, sẽ ít có khả năng bị thay thế bởi công nghệ hay AI (Trí tuệ nhân tạo), do nhu cầu giao tiếp, tương tác trực tiếp của con người là tất yếu, chỉ khi tư vấn trực tiếp thì những nhu cầu, mong muốn, cảm xúc của khách hàng mới được thấu hiểu hoàn toàn. Do vậy, trong tương lai Việt Nam sẽ phát triển mạnh nghề Tư vấn quản lý tài sản/Tư vấn quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt khi thu nhập bình quân đầu người tại VN ngày càng được cải thiện, tỷ lệ người giàu vì thế ngày một tăng lên, nhu cầu quản lý tài sản/tài chính cá nhân cũng sẽ trên đà nảy nở.
Nhu cầu tư vấn của khách hàng về việc làm sao để sử dụng tài sản hiệu quả ngày một tăng lên, chính vì vậy vị trí này sẽ đặc biệt phát triển trong thời gian tới. Bằng chứng là thời gian gần đây, các Ngân hàng, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ... đã tích cực tuyển dụng vị trí này. Chúng tôi đã thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng tuyển dụng và đào tạo những vị trí này trong khoảng 6 tháng gần đây.
Do vậy, tôi đánh giá rằng nhu cầu và xu hướng việc làm sẽ có sự dịch chuyển mạnh. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo cũng cần chuẩn bị tốt để bắt kịp xu hướng này trong tương lai.
Vậy sinh viên, nhân sự cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo ngành TCNH cần chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức gì để có thể đi tắt, đón đầu xu hướng nghề nghiệp này?
Theo tôi, để đi tắt, đón đầu trong giáo dục đào tạo là rất khó, vì giáo dục đào tạo là công việc cần phải thực hiện bài bản mới đem lại chất lượng. Tuy nhiên, dưới góc độ là người đã và đang làm trong lĩnh vực TCNH, các bạn cần chuẩn bị một số yếu tố như sau: Thứ nhất, nên tự trang bị và thường xuyên cập nhật, học hỏi những kiến thức liên quan đến công nghệ mới, kiến thức mới, cái này hoàn toàn có thể tự học được; Thứ hai, luôn luôn thay đổi với tinh thần Change mind, Transform Life; Thứ ba, nên tham gia học thêm những khóa học kỹ năng, kiến thức và có sự đổi mới, cập nhật xu hướng ở Việt Nam và trên thế giới.
Các cơ sở giáo dục cũng cần mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với xu hướng chung của thị trường; nên đưa giảng viên, sinh viên đi thực tế tại các doanh nghiệp, kết nối với những cơ sở đào tạo uy tín để cùng phát triển chương trình đào tạo, việc làm cho sinh viên, giảng viên. Tóm lại, giữa Nhà trường (gồm cả GV) – Doanh nghiệp – Sinh viên cần có sự liên kết chặt chẽ, để có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.
Tôi được biết một số Trường ĐH đang xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, kết nối với DN nhằm giúp học viên sau khi tốt nghiệp có thể đi làm được ngay, các DN cũng sẽ không mất thời gian đào tạo lại. Điều này vừa giúp các Trường nâng cao chất lượng đào tạo, tiết kiệm chi phí cho DN và học viên không mất thời gian để bắt nhịp với công việc.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Hường Hoàng