Nỗi niềm của người trưởng thôn

Sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề, không ít người đã rời bỏ thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tới nơi khác lập nghiệp, sinh sống. Dân sinh sống tại đây đa phần là người lao động đến từ nơi khác, thậm chí có những người đến từ miền Nam xa xôi. Số ít còn lại chủ yếu là những người đã có tuổi, ở lại vì mảnh đất cha ông cần người hương hỏa.

leftcenterrightdel
 Người dân đã chán ngán cảnh phải sống cùng núi chất thải

Trao đổi với phóng viên (PV), ông Hà Đình Thanh - với tư cách là người cán bộ gần gũi với dân nhất, Trưởng thôn thôn Mẫn Xá vô cùng khẩn thiết, mong Báo Tri thức và Cuộc sống nói lên tâm nguyện của ông cùng người dân làng nghề cô đúc nhôm, nguyên văn trích dẫn:

“Tôi, Trưởng thôn làng nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá, Văn Môn xin có ý kiến như sau:

Tôi kính mong các cấp ban ngành của các cơ quan Nhà nước, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm tới làng nghề của chúng tôi. Hiện nay, ô nhiễm tới mức độ báo động làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của mọi người dân thôn Mẫn Xá nói riêng và xã Văn Môn nói chung, và ảnh hưởng lớn nhất cho sức khỏe các cháu nhỏ và người cao tuổi.

Tôi kính mong các cơ quan ban ngành về làng nghề chúng tôi, giúp đỡ nhân dân chúng tôi thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường khói bụi. Tôi hết sức mong các cơ quan Đảng, Chính quyền chỉ đạo các cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đang gây khó khăn cho người dân chúng tôi trong việc được lên làng nghề mới (Cụm công nghiệp Mẫn Xá - PV) để hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương xây dựng làng nghề mới cho nhân dân chúng tôi được thuê đất với giá từ 3 triệu đến 4 triệu đồng trên 1 m2, để nhân dân chúng tôi chuyển hoạt động cô đúc nhôm ra làng nghề mới, để đảm bảo đáp ứng đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan. Nếu được nguyện vọng như trên thì tôi vô cùng cảm ơn Đảng, Chính phủ và các cơ quan, ban ngành của Nhà nước.”

Một người dân đã nói: “Mong Nhà nước cứu giúp tương lai của những đứa trẻ, các cháu ngày ngày ăn cơm chan tro chan xỉ thật đau lòng. Không phải chúng tôi không hiểu, chỉ là lực bất tòng tâm!"

Bên cạnh lời khẩn nài để người dân và mong muốn được tạo điều kiện vào CCN làng nghề Mẫn Xá, ông Thanh cũng đưa ra một giải pháp khác. Ông cho hay tại thôn Mẫn Xá vẫn còn thửa đất nông nghiệp với diện tích lên đến 11 ha, mà ông và người dân sẵn sàng giao cho một doanh nghiệp khác, không phải Công ty Hanaka làm chủ đầu tư để xây dựng làng nghề cô đúc nhôm mới.

Theo đó, người dân mong muốn chủ đầu tư mới phải cam kết tạo điều kiện cho dân với mức giá 3 - 4 triệu đồng/m2, đồng thời cam kết về thời gian hoàn thiện mặt bằng để nhân dân sớm chuyển dời lò, xưởng khỏi vị trí hiện nay.

leftcenterrightdel

Người dân muốn được đưa xưởng về CCN làng nghề Mẫn Xá, hoặc tìm một chủ đầu tư khác lập dự án khác 

Lý giải cho đề xuất này, là vì người dân đã không còn tin tưởng vào Công ty Hanaka của ông Mẫn Ngọc Anh nữa. Bởi lẽ thay vì cho người dân được chuyển vào CCN làng nghề Mẫn Xá với giá 4 triệu đồng/m2 như cam kết, thì nay người dân phải trả gấp rưỡi, có vị trí gấp 3, 4 lần. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp từ nơi khác đến đây, “núp bóng” người dân làng nghề cô đúc nhôm để mua hàng ngàn mét vuông, diện tích thực còn lại cho người dân có nhu cầu chuyển lò, xưởng vào CCN đã chẳng còn bao nhiêu.

Cũng theo PV được biết, trước đây đã có thời điểm Công ty Hanaka “rao bán” các lô đất trong CCN làng nghề Mẫn Xá với giá 4,5 triệu đồng/m2. Thế nhưng người dân không ai dám vào bởi lúc đó hạ tầng kỹ thuật của CCN còn “chưa có cái gì cả, chỉ là một bãi đất không”. Thậm chí ngay thời điểm hiện tại, CCN làng nghề vẫn còn nhiều vấn đề còn phải xử lý, như chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai.

"Nếu giao thêm đất cho Công ty Hanaka thì thà dân chúng tôi tìm doanh nghiệp khác sẵn sàng về đây giúp bà con. Chứ nếu Hanaka được mở rộng CCN ra mà vẫn cho những bên khác không phải người làng này vào, rồi lấy giá cao ngất như bây giờ thì có khác biệt gì?", một người dân chia sẻ.

Với việc còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý và môi trường, chính quyền địa phương dù có tuyên truyền thế nào để người dân thực hiện việc di dời hoạt động sản xuất, từ nơi ở ra CCN làng nghề Mẫn Xá đều vô cùng thiếu thuyết phục. Nhiều người e ngại, với tình trạng chưa lắp đặt các hệ thống xử lý chất thải tại CCN thì sau bao nhiêu năm nữa, nơi này sẽ trở thành “điểm nóng” tiếp theo về ô nhiễm môi trường?

Bí ẩn nguồn gốc núi tro xỉ

Theo Trưởng thôn Hà Đình Thanh, thì thôn Mẫn Xá có đến hơn 1.000 hộ dân, chỉ 300 hộ làm nghề cô đúc nhôm, đồng nghĩa với việc còn gần 700 hộ phải “gánh chung” ô nhiễm từ các hộ này.

Lẽ thường, hoạt động cô đúc nhôm tại đây chỉ sản sinh ra rất ít tro xỉ, bởi sản phẩm sau nấu tạo ra là nhôm thỏi với tỷ lệ tái chế khá cao từ 70 - 85%. Vậy, núi chất thải rắn, với phần lớn là tro xỉ trải dài hết đường chân trời tại thôn Mẫn Xá, ước tính khối lượng hàng trăm ngàn tấn từ đâu mà ra?

PV đã đi sâu vào trong bãi đổ thải của thôn Mẫn Xá và chứng kiến, trong đó chất chứa hàng trăm bao tải lớn, trọng lượng lên đến cả 1,1 tấn được vứt lăn lóc, xếp chồng lên nhau mặc cho mưa gió. Có những bao tải đã mục nát dưới sự tàn phá của thời tiết và thời gian, để lộ ra bên trong là những tro xỉ thải.

leftcenterrightdel
 Mưa gió đã làm lộ ra những tro xỉ được chứa trong nhiều bao tải tại bãi chất thải rắn thôn Mẫn Xá
 

Theo quan sát của một chuyên gia môi trường, những tro xỉ này không giống với tro xỉ phát sinh trong quá trình tái chế nấu nhôm tại làng nghề mà tương tự các loại tro xỉ phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, đã qua quá trình tận thu, được nghiền thành các hạt nhỏ và có lẫn bột mịn từ các hệ thống xử lý khí thải loại lọc bụi túi.

Thông tin từ người dân, cứ 100 kg tro xỉ sẽ tận thu được khoảng 8 kg hạt xỉ có chứa nhôm, người dân dùng dụng cụ thủ công để loại bỏ phần bột mịn, giữ lại phần xỉ hạt còn có nhôm và cho vào nấu lại. Vì chỉ có khoảng 8% xỉ được tận thu, đến hơn 90% tro xỉ còn lại nằm trong các bao tải lớn, chồng chất trong các bãi thải hoặc được đổ trộm ra môi trường.

Theo đó, nhiều bao chứa tro xỉ tại đây có in địa chỉ trên bao bì, đến từ các tỉnh ngoài Bắc Ninh, như Công ty TNHH Riken Việt Nam (tại số 2 VSIP II, A đường số 26, khu công nghiệp Việt Nam - Singapo, xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Thậm chí, xuất hiện cả những bao bì in tiếng Trung Quốc, hay có bao ghi rõ chữ USA (Mỹ) .

Trong trường hợp các bao tro xỉ trên đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thì khả năng cao chúng đều chưa qua phân định và có thể chứa thành phần nguy hại. Vốn những loại tro xỉ này đều phải được coi là chất thải nguy hại và được xử lý, lưu trữ nghiêm ngặt. Thế nhưng, sự xuất hiện của chúng tại làng nghề Mẫn Xá đặt ra thêm nhiều câu hỏi: Chúng từ đâu đến? Đơn vị nào chuyển chúng đến đây?

leftcenterrightdel
Trong làng nghề Mẫn Xá xuất hiện hàng trăm bao tải in tên doanh nghiệp ngoại tỉnh, điển hình như Công ty Riken Việt Nam
 

Có hay không việc tồn tại một số doanh nghiệp mang tro xỉ thải phát sinh trong quá trình hoạt động, sản xuất công nghiệp “tuồn” về đây để người dân sàng lọc, tái chế đồng nghĩa với việc trốn tránh trách nhiệm về bảo vệ môi trường là chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý? Vậy ai - tập thể hay cá nhân nào, đang là người hưởng lợi từ việc để tro xỉ thải được đưa vào làng nghề này tận thu và đổ thải tại nơi này?

Kết quả phối hợp với các cơ quan chức năng của PV Tri thức và Cuộc sống tiếp tục đưa thông tin tới bạn đọc trong các kỳ tiếp theo!

Minh Châu

Nguồn Tri thức và cuộc sống
Link bài gốc

https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ky-5-o-nhiem-tai-lang-nghe-man-xa-bac-ninh-noi-long-nguoi-dan-va-bi-an-nui-tro-xi-1640688.html