Cưỡng chế thu hồi - ép dân vào "đường cùng"?
Liên quan đến ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá, xã Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, phóng viên (PV) được người dân phản ánh, cho biết rằng thời gian gần đây, UBND xã liên tục phát thông báo qua loa về việc cưỡng chế, thu hồi mặt bằng xưởng, lò cô đúc nhôm của người dân.
Theo đơn thư phản ánh của người dân, việc UBND xã Yên Phong phát loa yêu cầu cưỡng chế, thu hồi mặt bằng cơi nới của người dân khiến người dân hoảng loạn, không còn tâm trí để lao động sản xuất.
Cụ thể, đất cơi nới này được nhà nước giao cho dân là đất nông nghiệp, tuy nhiên từ năm 1998 do không có mương máng thủy lợi nên không thể trồng lúa được. Năm 2002, người dân đã vay vốn ngân hàng để dựng lò, xưởng, hoạt động cô đúc nhôm, phát triển kinh tế địa phương. Sau đó là chờ Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá hoàn thành để di chuyển lò, xưởng tới CCN. Thế nhưng, do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka đưa ra mức giá thuê mặt bằng quá cao, người dân không đủ vốn để đưa hoạt động lò, xưởng ra CCN mới.
Trong đơn thư nêu rõ, thời điểm trước năm 2017, Công ty Hanaka vận động người dân bàn giao ruộng đất với mức giá đền bù là 158 triệu đồng/sào. Ông Mẫn Ngọc Anh hứa sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng xong sẽ bán (hoặc cho thuê) cho người dân thôn Mẫn Xá mỗi hộ gia đình 200m2 với giá 4 triệu đồng/m2, do đó nhân dân mới đồng ý giao ruộng đất để thực hiện dự án CCN này.
Đến nay, cơ sở hạ tầng chưa xong nhưng CĐT đã bán đất làng nghề thời hạn 50 năm với mức giá 7 - 10 triệu đồng/m2, như vậy là sai với lời hứa ban đầu. Bên cạnh đó, việc phần lớn diện tích CCN làng nghề Mẫn Xá đã “vào tay” nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh thay vì người dân thôn Mẫn Xá lại càng khiến bà con nơi đây mất niềm tin vào dự án này.
“Người dân chúng tôi bán 3 sào ruộng cũng không mua (hoặc thuê) được 100m2 đất của Chủ đầu tư. Chính vì thế cho nên chúng tôi không thể chuyển lán xưởng sản xuất cô đúc nhôm lên làng nghề theo ý muốn quy hoạch của chính quyền.
Nay người dân chúng tôi có nguyện vọng với Bà Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh là những phần cơi nới lán xưởng hiện tại người dân chúng tôi đã cơi nới mong muốn được hợp pháp hóa chuyển đổi cho chúng tôi. Chúng tôi xin chấp hành chuyển đổi theo quy định của Nhà nước.
Nếu bây giờ nhà nước thu hồi phần lán xưởng cơi nới của 141 hộ dân sẽ vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán với ngân hàng.” - đơn thư của người dân nêu rõ.
Có thể thấy việc chính quyền địa phương thông báo trên các loa phát thanh sẽ cưỡng chế thu hồi phần đất cơi nới của người dân là một trong những bước đầu của công tác xử lý ô nhiễm tại thôn Mẫn Xá. Thế nhưng, các cơ quan địa phương có đang quá vô tình khi không để tâm đến những tiếng nói của người dân bấy lâu nay?
Không ít báo chí, truyền thông đã đưa tin về tình trạng ô nhiễm tại Mẫn Xá, và cả những bất cập tại CCN làng nghề Mẫn Xá do Công ty Hanaka làm chủ đầu tư. Thế nhưng, sau bao năm qua, ngoài các văn bản chỉ đạo, rồi lại tiếp tục chỉ đạo CĐT phải hoàn thiện CCN thì chính quyền địa phương đã thực sự làm được gì để giải quyết vấn đề cho dân?
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua việc núi chất thải rắn gần 400.000 tấn hiện nay tại thôn Mẫn Xá được cấu thành bởi phần lớn là các loại chất thải công nghiệp, tới từ nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh. Lượng chất thải này không chỉ bởi người dân chủ động nhập phế liệu về để sàng lọc, cô đúc nhôm mà còn có sự xuất hiện của những xe chở thải từ nơi khác tới.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, như: UBND các cấp tại Yên Phong có đang thực sự nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường? Tại sao báo chí phản ánh nhiều, nhưng UBND huyện lại không có những động thái rõ ràng? Vì đâu mà để tình trạng ô nhiễm kéo dài, luống cuống trong việc tìm cách xử lý? Liệu có uẩn khúc lợi ích nhóm nào giữa CĐT và chính quyền địa phương hay không mà phải đẩy 141 hộ dân vào bước đường cùng?
Những trăn trở của người dân không phải không có cơ sở. Bởi lẽ để bãi chất thải rắn thôn Mẫn Xá trở thành “điểm nóng” không thể là ngày một, ngày hai mà phải rất nhiều năm trời, từng chút một tích tiểu thành đại, khiến bãi chất thải ngày càng to lớn và nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, nếu như UBND huyện Yên Phong xử lý bãi chất thải này từ khi mới manh nha thì đã chẳng có “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường xuất hiện.
“Nói thẳng thì dân ở đây học thức thấp, nếu không thấp thì đã chẳng phải làm cái nghề này. Nhưng nếu dân không biết thì đáng lẽ xã với huyện phải chỉ cho dân. Khi người dân xây xưởng, xây lò trên đất cơi nới sao các ông (chính quyền địa phương - PV) không bảo gì, để giờ khi chúng tôi hoạt động bao nhiêu năm trời rồi mới kêu là sai phạm, đòi phạt, đòi phá, đòi dỡ? Giờ phá dỡ chúng tôi biết lấy gì mà ăn? Không lẽ nào để cả trăm, cả ngàn người lệ thuộc vào nghề cô đúc nhôm này phải chết đói?” - một người dân bức xúc lên tiếng.
UBND huyện vào cuộc có “đúng chỗ”?
Dù tồn tại tình trạng ô nhiễm nặng nề, nhưng cũng không thể nói UBND huyện Yên Phong chẳng làm gì trong nỗ lực chung cải thiện tình hình. Điều đó được thể hiện qua các văn bản được huyện Yên Phong ban hành, có thể kể đến như:
Phương án số 1495/PA-UBND về thu gom, vận chuyển đối với chất thải rắn tồn đọng và chất thải mới phát sinh tại xã Văn Môn; Văn bản số 547/UBND-TNMT ngày 29/3/2021 gửi Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng đề nghị tham gia lập định mức, đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn; Quyết định số 7317/QÐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, xã Đông Thọ; Tờ trình số 2272, 2273, 2274, 2275, 2276/TTr-UBND về việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trình UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đợt 1 đối với 05 hộ gia đình cá nhân thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn…
Theo một chuyên gia môi trường nhận định, nguồn thải chính tạo nên gần 400.000 tấn chất thải rắn tại Mẫn Xá chỉ đến rất ít từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cô đúc nhôm. Bởi lẽ người dân tại đây có thể tận thu được đến hơn 80% phế liệu sạch, gần 20% tro xỉ còn lại cũng không nhiều đến vậy, và nếu xử lý đúng thì cũng không còn độc hại.
Thế nhưng, bên cạnh phế liệu sạch thì người dân tại đây - thông qua một số đầu nậu, còn nhập về các loại tro xỉ được sinh ra từ quá trình sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp khác. Loại tro xỉ này chỉ thu được 7-8% thành phẩm, tương ứng với 1 tấn tro xỉ sẽ đổ đi hơn 900kg, được nhét lại vào các bao tải, dần dần tạo nên phần lớn của núi chất thải hiện nay.
Như vậy, cái cần ngăn chặn không phải là quá trình người dân xử lý phế liệu, mà là khâu nhập tro xỉ từ các doanh nghiệp ngoại tỉnh. Không có nguồn tro xỉ này thì người dân không thể tiếp tục đổ ra môi trường hàng tấn tro xỉ thải mỗi ngày, từ đó giảm bớt gánh nặng về ô nhiễm môi trường mà thôn Mẫn Xá nói riêng, huyện Yên Phong nói chung phải chịu.
Cùng lúc, cần đảm bảo sinh nhai cho người dân song song với xử lý môi trường. Không thể ngay lập tức o ép người dân phải ngừng ngay hoạt động kinh doanh, sản xuất. Bởi lẽ mỗi hộ gia đình này có từ 3 đến 6 lao động, tương đương với gấp 3 lần số người lệ thuộc. Nếu ngừng hoạt động kinh doanh, họ kiếm đâu ra tiền để trang trải sinh hoạt phí hàng ngày?
Việc người dân mất lòng tin đối với CCN làng nghề Mẫn Xá thì sao? Rõ ràng là người dân thậm chí sẵn sàng bỏ ra hàng chục hecta đất ruộng để tạo lập một làng nghề mới, không còn dính dáng gì tới CCN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka. Như vậy là người dân đang rất hợp tác và có thiện chí, có thể xử lý được bài toán nan giải về việc chuyển dời làng nghề ra khỏi vị trí ô nhiễm hiện tại, đồng thời đảm bảo được công việc cho hàng ngàn lao động, tại sao chính quyền địa phương lại… không lắng nghe?
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, những vấn đề trên chưa thể xử lý là bởi chúng gắn liền với lợi ích kinh tế đến từ bãi chất thải rắn tại thôn Mẫn Xá. Những lợi ích này là quá lớn, lớn hơn nhiều giá trị tính mạng, sức khỏe của người dân, của hệ sinh thái… vì lẽ đó mà công tác xử lý chất thải mới chậm trễ, và người dân thì đang dần bị ép vào đường cùng.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục cập nhật!
Minh Châu