Nhiều tranh cãi
Ngày 22.11, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng xác nhận tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức tự xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/ lần.
Ngay sau khi quy định về phòng chống dịch mới của tỉnh Lâm Đồng được ban hành, nhiều người dân, cán bộ, công chức, người lao động đã bày tỏ sự băn khoăn. Thậm chí nhiều người cho rằng việc xét nghiệm 3 ngày/lần là quá khắc nghiệt, gây tốn kém, thậm chí không cần thiết.
Anh Nguyễn Văn Tú - người lao động làm việc tại một công trường ở TP. Đà Lạt cho biết, anh thường xuyên làm việc trong công trường xây dựng, ít gặp gỡ những người xung quanh. Nếu chủ trương xét nghiệm 3 ngày/lần được áp dụng, chắc chắn sẽ gây tốn kém cho những người lao động có thu nhập thấp như anh.
Tương tự, nhiều cán bộ, công chức ở tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, việc đó quá khắt khe, thậm chí vô bổ khi nhiều cán bộ, công chức đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; công việc hàng ngày của họ chủ yếu làm văn phòng, rất ít ra ngoài.
Việc yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần thật sự gây ám ảnh đối với đội ngũ cán bộ công chức, bất tiện trong sinh hoạt, chưa kể lãng phí về tiền bạc rất lớn.
Nhiều người cũng mong muốn ngành y tế tỉnh Lâm Đồng quy định rõ về quãng thời gian xét nghiệm cho phù hợp thay vì 3 ngày/lần. Cùng với đó, việc áp dụng quy định chống dịch cần thống nhất hoặc vận dụng phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ...
"Không tốn kém như mọi người nghĩ (?)"
Được biết, nguyên nhân của việc tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về chống dịch trong tình hình mới, trong đó có xét nghiệm 3 ngày/lần, là bởi dịch COVID-19 trong thời gian ngắn vừa qua diễn biến hết sức phức tạp. Có nhiều người dù tiêm 2 mũi vaccine nhưng vẫn dương tính với COVID-19.
Trước lo lắng về việc xét nghiệm 3 ngày/lần gây tốn kém, lãng phí, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc này không nghiêm trọng đến mức gây tốn kém như mọi người nghĩ.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị có thể chủ động về mặt thời gian xét nghiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, cán bộ nhà nước tại các công sở hoặc khi đến cơ quan làm việc, liên hệ công tác... chỉ cần giấy test nhanh âm tính với COVID-19.
Riêng với người dân sống ở vùng giáp ranh tỉnh Lâm Đồng vào tỉnh làm việc, công tác vẫn thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ; không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với người dân đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong toả và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ…
Sáng 22.11, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, đến nay, tỉnh mới ghi nhận 88 ca COVID-19 mới; trong đó, nhiều nhất tại TP.Đà Lạt 24 ca, Đức Trọng 19 ca, Đơn Dương 12 ca và Đạ Tẻh 11 ca, Lâm Hà và Di Linh đều 8 ca, Bảo Lộc 4 ca, các huyện Lạc Dương và Đam Rông đều 1 ca. Đến nay, Lâm Đồng có 1.983 ca COVID-19, trong đó, đang cách ly điều trị 1.367 ca, ra viện 607 ca, tử vong 7 ca, về địa phương khác 2 ca.
|
Hữu Long