leftcenterrightdel
 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, cho biết từ ngày 20/12/2021, Bộ đã ban hành Quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine.

Sau thời điểm đó, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các cơ quan khác xây dựng hệ thống cấp hộ chiếu vaccine, chỉnh sửa, bổ sung chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng.

Trao đổi bên lề Hội thảo triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 chiều 22/3, ông Hùng cho biết đã thí điểm tại 3 BV là Bạch Mai, K và E. Kết quả là hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc cấp hộ chiếu vaccine.

Liên quan thời gian triển khai hộ chiếu vaccine rộng rãi, ông Hùng thông tin sẽ tổ chức hội nghị để thực hiện trên phạm vi toàn quốc ngay trong tuần tới. Theo ông Hùng, hộ chiếu vaccine COVID-19 điện tử sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Nhất là ở bối cảnh ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế.

Về quy trình, người dân sẽ không cần làm gì để có hộ chiếu vaccine COVID-19 ngoài khai báo thông tin chính xác khi đi tiêm chủng. Các cơ sở tiêm chủng phải chịu trách nhiệm rà soát và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin cho người dân.

Tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ nhận một mã QR trên ứng dụng PC COVID-19 hoặc Sổ sức khỏe điện tử, qua đó phục vụ việc kiểm soát khi ra nước ngoài.

Việt Nam hiện là 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Tỷ lệ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 100% với mũi 1, mũi 2 đạt 99% và mũi 3 đạt 43,5%. Với người từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ đã tiêm 1 mũi là 99%, 2 mũi đạt 94%.

Toàn quốc đã tiêm hơn 202 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, nền tảng quản lý tiêm chủng đã ghi nhận hơn 193 triệu mũi, tương ứng 96%. Số mũi tiêm chưa nhập dữ liệu còn hơn 8 triệu, tương đương khoảng 4%.

Việc xác minh thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng là điều kiện quan trọng nhất để cấp hộ chiếu vaccine COVID-19.

Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code. Có 11 trường thông tin hiển thị gồm: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm Vaccine, Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận. Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng QR định dạng 2D. Quy trình cấp Hộ chiếu vaccine gồm 3 bước; hạn sử dụng là 12 tháng.

Tính đến ngày 17/3/2022, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hoà Belarus, Cộng hoà Ấn Độ, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hoà Ả Rập Ai Cập, CHXHCNDC Sri Lanka, New Zealand, Cộng hoà Singapore, Cộng hoà Saint Lucia và Hàn Quốc.

Q.C

Nguồn
Link bài gốc