Kim Do-hyeop, 41 tuổi, từng nghĩ rằng làm việc tại một công ty lớn, nổi tiếng sẽ đảm bảo cuộc sống ổn định về tài chính.
"Nhưng hóa ra tôi đã sai. Chúng ta cần phải chăm sóc bản thân nhiều hơn", anh nói.
Kể từ sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Pusan năm 2008, Kim làm việc tại STX Offshore and Shipbuilding, công ty đóng tàu lớn thứ tư thế giới. Nhưng ngay sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, và ngành đóng tàu đã phải gánh chịu đòn nặng.
Để thoát khỏi nguy cơ bị cho thôi việc, Kim bắt đầu tìm kiếm một công việc khác.
Năm 2014, anh chuyển sang công ty hóa phẩm SK Chemical. Nhưng ngay khi bắt đầu ổn định ở công ty mới, anh lại nhân ra mình có nguy cơ sắp mất việc lần nữa.
"Đó là thời điểm tôi bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu sớm. Với những người nhân viên như tôi, cuộc sống khá bấp bênh vì có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Tôi không còn tin tưởng rằng công việc có thể mang lại cho tôi một cuộc sống ổn định về tài chính", anh Kim nói.
Trong vòng 5 năm, anh đã kiếm được 2,1 tỷ won (1.781.579 USD) – đủ để cho anh một cuộc sống đầy đủ.
Kim nghỉ việc tại SK Chemical vào năm 2019 và nghỉ hưu ở tuổi 39.
Theo Koreajoongangdaily, Kim là một thành viên có tiếng nói của Phong trào FIRE, viết tắt của "độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm".
Đó là một triết lý sống khuyến khích tiết kiệm và đầu tư số tiền đáng kể từ tiền lương của một người với mục tiêu giành độc lập tài chính và chọn không tham gia lực lượng lao động trước tuổi 40.
Phong trào này bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 trong cộng đồng những người trẻ lớn lên trong các gia đình có thu nhập cao và nhận được trình độ học vấn cao ở Mỹ.
Hiện nay, ở Hàn Quốc, Phong trào FIRE đang lan rộng trong những người ở độ tuổi 20 và 30.
Vào tháng 3 năm 2021, NH Investment and Securities đã khảo sát 2.536 người ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 39 về việc nghỉ hưu sớm. Kết quả cho thấy rằng 65,9% mong muốn nghỉ hưu sớm với khoản tiết kiệm mục tiêu là 1,37 tỷ won.
Phong trào này đang trên đà phát triển khi nhiều lao động trẻ ở Hàn Quốc phải chịu cảnh thất nghiệp, chi phí sinh hoạt cao và vị trí việc làm không ổn định, tất cả đều trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.
Nhiều người ủng hộ Phong trào FIRE đã rời bỏ các công việc truyền thống, tìm cách đầu tư, kinh doanh để tích lũy tài sản.
Cuộc khảo sát cho thấy phần lớn những người được hỏi (42,8%) nói rằng họ muốn duy trì lối sống hiện tại và chuẩn bị cho việc nghỉ hưu sớm thông qua các khoản đầu tư.
Trong khi tỷ lệ ít nhất (7,3%) trả lời rằng họ có kế hoạch tích lũy tài sản bằng cách cắt giảm chi phí.
Nghỉ hưu sớm để tự do theo đuổi đam mê
Kim Jin-woong, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Centenarian tại NH Đầu tư và Chứng khoán, cho biết: "Giới trẻ Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào việc đầu tư hơn là tiết kiệm khi theo đuổi sự độc lập về tài chính.
Cuộc khảo sát tương tự của NH Investment and Securities cho thấy khoản đầu tư phổ biến nhất là cổ phiếu (92,8%), tiếp theo là tiết kiệm (63,9%), bất động sản (43,2%), đầu tư quỹ (38,5%) và tiền điện tử (19,3%). Các ứng viên có thể chọn nhiều hơn một câu trả lời.
Một lý do giải thích cho xu hướng mạnh mẽ đối với cổ phiếu là do thị trường chứng khoán tăng giá kéo dài bất chấp Covid-19.
Chỉ số Kospi đã tăng khoảng 30% vào năm ngoái. Mặt khác, thu nhập từ các công việc truyền thống đã gần như trì trệ, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, nơi đã xem xét thu nhập trung bình hàng tháng tại các công ty có hơn 300 nhân viên trong mười năm qua.
|
|
Khoản đầu tư mà những người nghỉ hưu sớm lựa chọn phổ biến nhất là cổ phiếu (92,8%), tiếp theo là tiết kiệm (63,9%), bất động sản (43,2%). Ảnh: News Korea |
Nghiên cứu cho thấy mức lương ròng của một công nhân bình thường chỉ tăng trung bình 2% hàng năm, từ 3,57 triệu won năm 2010 lên 4,35 triệu won năm 2021. Do đó, ngày càng nhiều người trẻ tin rằng phụ thuộc vào lương để tích lũy tài sản là không thực tế.
Hơn nữa, chi phí bất động sản tăng cao của Hàn Quốc đang thúc đẩy nhiều lao động trẻ tham gia phong trào FIRE.
Theo Ngân hàng KB Kookmin, một gia đình có thu nhập trung bình ở Hàn Quốc vào tháng 6/2020, sẽ phải tiết kiệm toàn bộ tiền lương trong vòng 18,5 năm mới có thể mua nhà.
Lee Go-eun, một cựu nhà phân tích thị trường chứng khoán đã chọn nghỉ hưu sớm ở tuổi 39, cho biết cô đã cảm thấy khó chịu, không yên khi chứng kiến những người xung quanh kiếm được nhiều tiền hơn cô thông qua các khoản đầu tư trong khi lương của cô vẫn giữ nguyên.
Lee nói: "Có một thời điểm trong đời tôi tin rằng tôi sinh ra để trở thành một nhà phân tích. Nhưng thời gian trôi qua, tôi cảm thấy mình chưa được bù đắp xứng đáng so với thời gian và công sức mà tôi đã bỏ ra cho công việc nên tôi quyết định nghỉ hưu sớm".
Đối với những người trẻ khác ở Hàn Quốc, nghỉ hưu sớm giúp họ tự chủ nhiều hơn trong cuộc sống.
"Dù tôi hài lòng với công việc của mình, nhưng tôi vẫn chọn nghỉ hưu sớm vì tôi nhiều tự do hơn để theo đuổi những thứ mà tôi đam mê," Yeo Shin-ook, một người 39 tuổi đã nghỉ hưu sớm ba năm trước cho biết. Trước đó, cô là một nhà thiết kế tại một công ty điện tử lớn.
Kwak Geum-joo, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Công việc văn phòng ổn định không còn được coi là nơi mà các cá nhân có thể phát triển hoặc cảm nhận được thành tựu. Mọi người hiện coi nơi làm việc là đơn giản chỉ để kiếm tiền. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều người cố gắng nghỉ hưu sớm".
Bà cho rằng, mặc dù có thể là điều đáng tiếc, nhưng thực tế là xã hội Hàn Quốc ngày nay "coi trọng tiền bạc hơn lao động".
Lưu Ly (Nguồn: Koreajoongangdaily)