Mới đây, vụ đấu thầu máy thở vào bệnh viên Đa khoa Nghệ An bị "lộ sáng" và cho thấy có dấu hiệu đấu giá kiểu “quân xanh, quân đỏ”. Vụ việc xảy ra vào giữa năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát.

Đầu năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mở gói thầu số 01 “Mua sắm 12 máy thở và 12 Monitor 05 thông số tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An”. Giá gói thầu là 9.780.000.000 đồng. Tại gói thầu này, Công ty TNHH Thành An - Hà Nội (Công ty Thành An Hà Nội) và Công ty TNHH Thiết bị Y tế Danh (Công ty TBYT Danh) gia thầu. Công ty TBYT Danh bỏ giá dự thầu 9.762.000.000 đồng, trong khi Công ty Thành An Hà Nội bỏ giá 9.750.000.000 đồng. Kết quả, Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu ở gói thầu này.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Tháng 9/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh mở gói thầu “Mua sắm vật tư phẫu thuật cột sống lưng, thắt lưng” với giá gói thầu là 8.535.000.000 đồng. Kết quả mở thầu cho thấy, gói thầu này cũng chỉ có 02 đơn vị tham gia là Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh. Trong đó, Công ty Thành An Hà Nội dự thầu với giá 8.390.700.000 đồng, Công ty TBYT Danh dự thầu với giá 8.474. 607.000 đồng. 

Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu

Ở phần đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật, Công ty Thành An Hà Nội đạt cả 3 tiêu chí. Ngược lại Công ty TBYT Danh không được đánh giá ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Kết quả Thành An Hà Nội được lựa chọn trúng thầu.

Kết quả đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật của 2 Công ty

Như vậy, tại gói thầu này, phía Công ty Thành An Hà Nội cũng đã trúng thầu do bỏ thầu với giá thấp hơn Công ty TBYT Danh.

Trước đó, tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cũng mở gói thầu số 01 “Hệ thống phẫu thuật nội soi” thuộc dự án “Mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn dự toán đã giao cho đơn vị năm 2019”. Giá gói thầu là 3.500.000.000 đồng. 

Như hai lần trước, gói thầu này cũng chỉ có Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh tham gia. Hai nhà thầu này đều được đánh giá đạt ở tất cả các tiêu chí. Song, như những lần trước, Công ty TBYT Danh lại tiếp tục trượt thầu do bỏ giá dự thầu cao hơn Công ty Thành An Hà Nội. Cụ thể Công ty TBYT Danh bỏ giá 3.650.000.000 đồng. Trong khi Công ty Thành An Hà Nội bỏ giá bằng giá đơn vị mời thầu đưa ra là 3.500.000.000 đồng. 

Đại diện một doanh nghiệp thường xuyên tham gia đấu thầu ở lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế nêu quan điểm, không có một doanh nghiệp nào lại đi làm một động tác “thừa” là bỏ giá cao hơn giá mời thầu khi đã quyết định tham gia đấu thầu để được trúng thầu. Trừ khi vì động cơ, mục đích khác, ví dụ như làm “quân xanh”.

Nhìn nhận khách quan, Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh là 2 doanh nghiệp độc lập. Họ có quyền tham gia đấu thầu ở bất cứ gói thầu cung cấp thiết bị vật tư y tế (lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp này) nào khi đơn vị mở thầu lựa chọn hình đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên hiện tượng Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh thường xuyên song hành với nhau trong các gói thầu. Trong đó, rất nhiều gói thầu chỉ có mỗi hai doanh nghiệp này tham dự thầu. Và phần lớn kết quả sẽ là Công ty TBYT Danh trượt, Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu là một hiện tượng bất thường, khiến dư luận phải nghi vấn về hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu.

Ở đây, Công ty TBYT Danh có dấu hiệu đóng vai trò “quân xanh”. Quân xanh là quân giả, làm nhiệm vụ lót đường. Nhà thầu quân xanh là nhà thầu “tham gia để trượt”. Công ty Thành An Hà Nội có dấu hiệu đóng vai trò quân đỏ. Quân đỏ là là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu.

Cần thấy rằng cùng với việc liên tục song hành cùng nhau, khi với vai trò liên danh, khi lại với vai trò là các nhà thầu độc lập, mà việc Công ty TBYT Danh trượt tạo điều kiện để Công ty Thành An Hà Nội trúng … đã làm xuất hiện những dấu hiệu nghi vấn về việc thiếu tính khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. 

Việc những người đại diện pháp luật có quan hệ huyết thống, “hệ sinh thái” công ty cậu - cháu cùng tham gia đấu thầu tại 1 gói thầu sẽ rất dễ xảy ra việc nhà thầu này trượt tạo điều kiện để nhà thầu kia trúng … Hiện tượng này có là dấu hiệu của hành vi đấu giá kiểu “quân xanh, quân đỏ”.

Tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 nêu rõ, “công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, thách thức”, như: “… tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh”, “quân đỏ” .... vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục”.

Thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị 47/CT-TTg, thời gian qua, nhiều gói thầu có nghi vấn gian lận, sai phạm đã bị điều tra. Nhiều tổ chức, cá nhân đã bị xử lý nghiêm minh theo chế tài của pháp luật. Vậy còn Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh thì sao, liệu 2 doanh nghiệp này có chịu trách nhiệm trước pháp luật?



Nguồn
Link bài gốc