Băn khoăn với những fanpage cấp quận, thành phố
Mới đây, Sở TTTT Hà Nội cho biết, đang xem xét, xử lý 12 trang, nhóm trên mạng xã hội Facebook sử dụng tên, logo “Hà Nội” đăng tải thông tin không chính thống của chính quyền thành phố.
Anh Phạm Xuân Hoà - một công chức tại quận Thanh Xuân - Hà Nội cho biết: “Hiện quận Thanh Xuân nơi tôi đang ở được quy định là “vùng đỏ” nên tôi và gia đình rất quan tâm tới những chỉ đạo của thành phố. Ngoài những thông tin từ truyền hình, báo chí, gia đình tôi cũng thường xuyên tham gia các hội nhóm của tổ dân phố, phường quận, thậm chí thành phố.
Tuy nhiên khi lên mạng xã hội thì tôi “hoa mắt” bởi có quá nhiều những group mang tên Hà Nội với những logo, biểu tượng của Hà Nội mà không biết đâu là fanpage chính thức…”.
Theo Sở TTTT Hà Nội, hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều trang, nhóm có sử dụng tên “Hà Nội”, “Hà Nội News”..., thậm chí sử dụng hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng Thủ đô Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô.
Các trang trên đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin không chính thống, thiếu chính xác về hoạt động của thành phố. Đặc biệt, trong thời gian tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đăng tải các thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Sở TTTT TP.Hà Nội đề nghị người dân không chia sẻ, lan tỏa thông tin từ các trang mạng xã hội nói trên. Hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.
Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện Hà Nội chỉ có 1 trang fanpage chính thức của Thủ đô Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/thudo.gov.vn/.
Tình trạng tương tự ở TPHCM, hiện có tới hàng nghìn fapage, nhóm trên mạng xã hội facebook mà người dân không biết đâu là nguồn tin chính thức.
Điển hình là fanpage “TPHCM hôm nay” có lượng người tham gia lên tới 320.000 theo dõi nhưng không rõ là cơ quan truyền thông hay của chính quyền TPHCM. Hay nhiều trang fanpage lấy tên quận 1 khiến nhiều người hiểu lầm là trang chính thức của đảng bộ, chính quyền quận 1.
Đặc biệt nhan nhản những trang, nhóm mang tên “Tôi là dân…” với mức độ tương tác cao nhưng lại sử dụng logo, hình ảnh của UBND quận, phường khiến cho người dân không rõ có phải là những thông tin chính thức hay không.
Chị Mai Lan ở quận 1- TPHCM nhận xét: “Nhiều nhóm tài khoản đăng bài chỉ vì muốn chia sẻ thông tin mình biết đến cộng đồng cư dân khu vực sinh sống. Tuy nhiên cũng không ít Một nhóm tài khoản trong nhóm cố tình đăng thông tin “giật gân” nhằm câu view. Khi thu hút được sự quan tâm của người dùng vào tài khoản cá nhân, chủ tài khoản có thể quảng cáo, bán hàng online.
Đáng chú ý, trang/nhóm cộng đồng cũng là “mảnh đất tốt” để một nhóm tài khoản cố tình phát tán thông tin sai sự thật, nhằm kích động người dân phản ứng với công tác phòng chống dịch của thành phố. Thậm chí, nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng thông tin, hình ảnh, video do người dân đăng tải để cắt ghép, chỉnh sửa nhằm bóp méo bản chất của vấn đề”.
Để chấn chỉnh tình trạng tham gia các nhóm, group trên mạng xã hội, mới đây Sở TTTT Đà Nẵng đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị: Chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị không tiếp xúc, khai thác, chia sẻ, truyền đưa, phát tán trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet các thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin sai sự thật gây hoài nghi, hoang mang và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội; Đặc biệt thông tin liên quan về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, chính quyền Đà Nẵng chỉ đạo các quản trị viên, người kiểm duyệt các trang, nhóm mạng xã hội của đơn vị mình thực hiện rà soát, chấn chỉnh tình trạng đăng tải thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, chưa qua quy trình kiểm duyệt, ảnh hưởng không tốt đến quan điểm, đường lối của Đảng, các chủ trương, định hướng phát triển và hình ảnh của thành phố; Quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm duyệt bài đăng của hội viên, thành viên nhóm, diễn đàn, bình luận của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các bình luận sai sự thật, tiêu cực, chống đối, gây dư luận trái chiều; Kịp thời tổng hợp, báo cáo các trường hợp này cho Sở Thông tin và Truyền thông để có hình thức xử lý nghiêm.
Thanh lọc những fanpage giả mạo chính quyền
Liên quan đến việc quản lý việc tham gia mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; cố tình lợi dụng, trục lợi trong thực thi nhiệm vụ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không mạng thời gian qua, Bộ nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TPHCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng, chống, dịch bệnh thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng đề nghị các đơn vị tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn…
Cơ quan chức năng cần có phương án thanh lọc những trang/nhóm có sử dụng những logo, biểu tượng khiến người dân nhầm lẫn là trang/ nhóm của chính quyền. Đây là việc rất cần thiết trong bối cảnh người dân rất cần những thông tin chính thức trong công tác phòng chống dịch. Bởi ngoài kênh thông tin truyền thống thì những kênh thông tin trên mạng xã hội là một giải pháp tiếp cận và lan toả thông tin nhanh nhất tới người dân.