Tin tức Covid-19 mới nhất ngày 19/8:
Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Thường trực thành ủy tại cuộc họp ngày 18/8 về công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì.Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường.
Việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết.
|
|
Hà Nội tiếp tục siết chặt việc kiểm tra và xử phạt nghiêm những người ra đường không có lý do chính đáng |
Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”.
Vì vậy, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, quyết liệt, chung sức đồng lòng thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách thực chất, hiệu quả, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.
Trưa 19/8, Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc Covid-19, có 4 ca tại cộng đồng
Trưa 19/8, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6h đến 12h ngày 19/8, Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc mới, gồm 4 ca tại cộng đồng và 21 ca tại khu cách ly.
Các quận, huyện ghi nhân số ca mắc mới là Hai Bà Trưng (10), Hoàng Mai (04), Đông Anh (02), Hà Đông (02), Thanh Trì (02), Ba Đình (01), Đống Đa (01), Hoàn Kiếm (01), Thanh Xuân (01), Thường Tín (01).
Theo đó, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.389 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1238 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1151 ca.
Về kết quả lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực nguy cơ, khu vực phong tỏa, tính đến 12h00 trưa nay, toàn thành phố đã lấy được 276.888 mẫu, trong đó có 53.734 mẫu âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Cụ thể, toàn thành phố đã lấy 17.778 mẫu ở khu vực phong tỏa, 350 mẫu có kết quả âm tính; 119.912 mẫu ở khu vực nguy cơ, 29.974 mẫu âm tính; 139.198 mẫu là đối tượng nguy cơ, 23.410 mẫu âm tính.
Hà Nội ghi nhận 2.364 ca nhiễm từ ngày 29/4
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội từ 18h ngày 18/8 đến 6h ngày 19/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 ca mắc mới thuộc chùm ho, sốt thứ phát, và đều đã được cách ly. Số ca mắc được ghi nhận tại quận Đống Đa (4), Hà Đông (01).
|
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho cư dân tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm. |
Trong 5 ca mắc mới thuộc chùm ho, sốt thứ phát, có 3 người cùng nhà ở phường Văn Chương, quận Đống Đa.
Trường hợp thứ 1 là bé trai N.V.A.D, 10 tuổi, ở Kiến Hưng, Hà Đông, là F1 của T.Đ.Q (hàng xóm), đã được cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 18/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 2 là anh N.T.H, 42 tuổi, ở Văn Miếu, Đống Đa, là F1 của N.T.N, được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển cách ly tập trung. Ngày 18/8, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 3 là anh T.A.T, 37 tuổi, ở Văn Chương, Đống Đa, là người sống trong khu vực phong tỏa, ngày 17/8 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 4 là anh L.A.Đ, 29 tuổi, ở Văn Chương, Đống Đa, là F1 (cùng nhà) của T.A.T, ngày 18/8 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 5 là anh L.A.Đ, 27 tuổi, Văn Chương, Đống Đa, là F1 của bệnh nhân T.A.T, ngày 18/8 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.364 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.234 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.130 ca.
Về kết quả lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ và đối tượng là người nguy cơ, tính đến 19h00 ngày 18/8, trên địa bàn thành phố đã lấy được 139.010 mẫu (6762 mẫu ở khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ), hiện tại có 500 mẫu của đối tượng nguy cơ có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
|
|
Bình Dương lên phương án chuẩn bị chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. |
58,2% ca ở Bình Dương phát hiện qua sàng lọc cộng đồng
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, cho biết trong ngày 18/8, tỉnh ghi nhận 2.513 ca mắc COVID-19 mới. Trong số ca mắc mới có đến 58,2% được phát hiện qua sàng lọc từ cộng đồng.
Trong đó, thị xã Bến Cát ghi nhận 998 trường hợp F0 trong cộng đồng và 101 ca trong khu phong tỏa. Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 52.346 ca mắc COVID-19.
Tỉnh đang phân ra các khu vực gồm: Khu vực có nguy cơ rất cao (ổ dịch trong vùng đỏ), khu vực có nguy cơ cao (vùng vàng), khu vực có nguy cơ thấp (vùng xanh) để đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm.
Theo đó, tình huống qua sàng lọc phát hiện địa bàn còn nhiều F0; tỉnh chuẩn bị phương án cho các cấp, ngành trong tỉnh thành lập tổ phản ứng nhanh điều phối việc theo dõi điều trị F0 tại nhà, thực hiện chuyển viện khi có triệu chứng diễn biến vừa, nặng. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng xe chuyển thương, bình oxy, cán bộ y tế cắm chốt theo từng phường, xã, khu vực.
Để đảm bảo cho F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà và báo cho cán bộ y tế hàng ngày, ngành phải có hướng dẫn F0 tự dùng một số thuốc thông thường để điều trị triệu chứng, điều trị ban đầu. Chuẩn bị sẵn túi an sinh (gồm thuốc Multivitamin, vitamin C, thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng virus…) để cấp phát miễn phí cho người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Cả nước có 298.064 bệnh nhân, 108.534 người được công bố khỏi bệnh
Tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 298.064 bệnh nhân, trong đó, 108.534 người đã được công bố khỏi Covid-19.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến sáng 19/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Con số này ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
|
|
Liên tục cập nhật diễn biến tình hình Covid-19 mới nhất trong ngày 19/8. |
Trong ngày 18/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.800 người nhiễm mới, gồm 12 trường hợp nhập cảnh và 8.788 ca ghi nhận trong nước.
Như vậy, trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 807 người.
Các ca nhiễm được phát hiện nhiều nhất tại TP.HCM với 3.731 ca, tiếp theo là Bình Dương với 2.513 ca, Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Đà Nẵng (278), Kiên Giang (169), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65), Vĩnh Long (61), Nghệ An (59), Quảng Nam (53), Hà Nội (46).
Ngoài ra, Đồng Tháp ghi nhận 31 ca, Bình Thuận (20), Thừa Thiên - Huế (17), Hậu Giang (16), Bình Định (15), Đắk Nông (13), Quảng Trị (12), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (8 ), Quảng Bình (8 ), Hà Tĩnh (8), Gia Lai (7), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (6), Thanh Hóa (6), Đắk Lắk (5), Lào Cai (4), Sơn La (2), Cà Mau (2), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Vĩnh Phúc (1), Lạng Sơn (1), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1). Trong đó, 5.935 ca tại cộng đồng.
Tại TP.HCM, F0 tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.
Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 298.064 bệnh nhân, trong đó, 108.534 người đã được công bố khỏi Covid-19.
|
|
Đến nay, Việt Nam đã có 302.101 ca nhiễm, 115.059 trường hợp khỏi bệnh và 6.770 người tử vong do Covid-19. |
Cũng trong bản tin tối 18/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 298 ca tử vong tại TP.HCM (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Con số này ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tại TP.HCM đang có xu hướng tăng mạnh. Theo Sở Y tế TP.HCM, từ 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ giai đoạn này do tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả F0.
Tại Hà Nội, lượng F0 mỗi ngày đang giảm. Tuy nhiên, nguy cơ của thành phố còn rất cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay từ ngày 18 đến 20/8, thành phố tiếp tục triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR cho khu vực và 13 nhóm nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu. Mục tiêu là bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh.
|
|
Sau hơn 1 tháng không có ca mắc mới, ngày 18/8, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận ca mắc COVID-19 tiếp theo trong cộng đồng. |
Sau hơn 1 tháng, Bắc Giang ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng
Tối 18/8, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, tỉnh đã phát hiện 1 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Trường hợp này là Th.T.L, sinh năm 1996, trú tại phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, truy vết lập danh sách, ra quyết định cách ly và chỉ định lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh có 5.780 trường hợp F0, trong đó đã có 5.772 bệnh nhân COVID-19 được ra viện. Hiện còn 7 bệnh nhân tại cơ sở điều trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 1 bệnh nhân chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Bên cạnh đó còn 1.070 người đang thực hiện cách ly tập trung. Trong ngày, tỉnh tập trung lấy và xét nghiệm 10.291 mẫu COVID-19 trong các doanh nghiệp, tầm soát trong cộng đồng và khu cách ly.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng đã tiêm được 370.195 liều vaccine. Trong đó, tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp 146.396 liều; công nhân cụm công nghiệp 85.810 liều; đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP 132.387 liều và người trên 65 tuổi/mắc bệnh mãn tính 3.729 liều.
|
|
Ước tính kinh phí mua túi thuốc chăm sóc F0 tại TP.HCM là gần 54 tỉ đồng |
TP HCM dự báo có 182.408 ca F0 cách ly tại nhà trong tháng tới, cần 182.408 túi thuốc
Sở Y tế TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP HCM về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định (F0 cách ly tại nhà).
Tờ trình của Sở Y tế cho rằng số ca F0 hiện tại và dự kiến trong một tháng tới là 182.408 ca, tương ứng cần 182.408 túi thuốc (mỗi túi gồm 4 thuốc với số lượng đủ dùng cho 7 ngày); ước tính kinh phí mua gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).
Theo Sở Y tế TP HCM, do khả năng cung cấp của nhà phân phối không thể đáp ứng cùng một lúc với số lượng lớn, do đó dự kiến nhà phân phối sẽ cung cấp cơ số thuốc theo từng đợt.
Cụ thể đợt 1 giao ngay 30.000 túi thuốc; đợt 2 giao 50.000 túi thuốc và đợt 3 giao 50.000 túi thuốc cho đến khi đủ nhu cầu thực tế của các đơn vị để cung cấp cho F0 cách ly tại nhà.
|
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh- Đoàn Nguyên. |
Đà Nẵng có thêm 134 người dương tính với nCoV
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết trong ngày 18/8, ngành y tế địa phương ghi nhận thêm 134 ca dương tính với nCoV. Trong đó có 87 ca đã cách ly; 13 ca trong khu phong tỏa và 34 ca cộng đồng. Như vậy, tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.138 ca mắc Covid-19.
Quận Hải Châu phát sinh số ca bệnh nhiều nhất là 39 ca, quận Thanh Khê 24 ca. Điểm nóng quận Sơn Trà đã giảm xuống còn 17 ca. Chuỗi ca bệnh liên quan chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận 81 ca.
Đến nay, chuỗi ca bệnh liên quan chợ Đầu mối Hòa Cường đã lây lan ra 39 xã phường với 347 trường hợp. Trong đó, 172 bệnh nhân là tiểu thương, bốc xếp, lái xe vận chuyển hàng, 15 người đi chợ, còn lại là F1 của người nhà tiểu thương và các trường hợp liên quan khác.
Theo nhận định của Sở Y tế Đà Nẵng, đây là chuỗi lây nhiễm có nguy cơ rất cao, hiện ghi nhận 364 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 190 người là tiểu thương, người làm việc tại chợ; 18 người đến chợ và 156 trường hợp F1, F liên quan.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết ngày 18/8, số ca mắc mới tương đối cao nhưng đúng với dự báo về cao điểm của đỉnh dịch trong thời điểm vài ngày. Ông yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt quy định “ai ở đâu thì ở đó”, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Cộng dồn từ 10/7 đến 14h ngày 18/8, ngành y tế Đà Nẵng ghi nhận 2.138 ca mắc Covid-19.
Ghi nhận một số nhân viên bưu chính Hà Nội nhiễm SARS-CoV-2
Tính từ 29/4 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 2.359 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.234 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.125 ca.
Chiều 18/8, trên địa bàn TP Hà Nội vừa ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 mới đều ở khu cách ly, nâng tổng số mắc trong ngày lên 51 ca. Trong ngày, Hà Nội ghi nhận một số nhân viên bưu chính dương tính SARS-CoV-2. 5 ca mắc mới thuộc chùm ho, sốt thứ phát, thuộc các quận, huyện Ba Đình (2), Nam Từ Liêm (1), cầu Giấy (1), Thanh Trì (1).
1. Bệnh nhân N.T.T. (nam, SN 1999), Xuân Phương, Nam Từ Liêm, làm việc tại Viettel Post Bắc Từ Liêm, đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển khu cách ly tập trung từ ngày 9-8. Ngày 17-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Trưa nay 18-8, Hà Nội cũng công bố 3 bệnh nhân Covid-19 là nhân viên làm việc tại Công ty Viettel Post Bắc Từ Liêm.
2. Bệnh nhân N.V.V. (nam, SN 2008), Yên Hòa, Cầu Giấy, là F1 của Đ.T.H., được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung từ 11-8. Ngày 17-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
3. Bệnh nhân N.T.T. (nữ, SN 1938), Liên Ninh, Thanh Trì, là F1 của N.T.M.L., được lấy mẫu và cách ly tập trung từ ngày 2-8. Ngày 16-8, được lấy mẫu gộp xét nghiệm lần 3 có kết quả dương tính SARS-CoV-2.. Ngày 17-8, bệnh nhân được lấy lại mẫu đơn để xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
4. Đ.N.L. (nam, SN 2006), Đội Cấn, Ba Đình, là F1 của L.T.L., được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển cách ly tập trung từ ngày 13-8. Ngày 17-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
5. N.T.K. (nam, SN 2017), Điện Biên, Ba Đình, là F1 của N.V.C., được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển cách ly tập trung từ ngày 12-8. Ngày 17-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Về xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao, toàn TP Hà Nội đã hoàn thành đợt 1 với trên 300.000 mẫu được lấy và xét nghiệm. Bắt đầu từ hôm nay, TP tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000 mẫu.
Cho đến cuối giờ chiều 18/8, toàn TP đã lấy được tổng số 92.478 mẫu, trong đó 4.582 mẫu là người ở khu vực phong tỏa, 36.293 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ cao và 51.603 mẫu là đối tượng nguy cơ. Hiện tại, mới chỉ có 500 mẫu thuộc đối tượng là người nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Bình Dương: Nhiều trẻ mồ côi ở trung tâm nhân đạo dương tính với SARS-CoV-2
Sau khi test nhanh kháng nguyên cộng đồng tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Bình Dương) ghi nhận hàng chục trẻ mồ côi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế địa phương đã bố trí nhân viên y tế đến hỗ trợ, đồng thời cung cấp thức ăn mỗi ngày cho các bé.
Chiều 18/8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An (Bình Dương) cho Tiền Phong hay, chiều 17/8 địa phương thực hiện test nhanh COVID-19 cộng đồng tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương cho hơn 100 trẻ mồ côi và bảo mẫu.
Qua đó, ghi nhận có hàng chục trẻ và bảo mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và đang chờ kết quả khẳng định PCR.
“Ngay sau khi ghi nhận trường hợp dương tính, lực lượng y tế được cử đến để theo dõi sức khỏe của bảo mẫu và các bé. Đối với các bé trên 10 tuổi sẽ được di chuyển đến khu cách ly, điều trị, các bé dưới 10 tuổi sẽ bố trí cách ly, điều trị tại chỗ. Chúng tôi đã bố trí nhân lực chuẩn bị thức ăn cung cấp hàng ngày cho cả bảo mẫu và các bé tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An nói.
Được biết, Bình Dương đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm toàn dân để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời gian qua, địa phương đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm diện rộng.
Chiều tối cùng ngày, Sở Y tế Bình Dương thông tin, địa phương ghi nhận thêm 2.513 ca mắc COVID-19 trong ngày. Như vậy, tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương có 52.346 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 402 ca tử vong.
|
|
Bà Rịa-Vũng Tàu thêm 40 ca nghi mắc, lập thêm 10 bệnh viện điều trị |
Số lượng ca dương tính tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 28/6 đến nay là 2.627 ca. Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đang có kế hoạch mở thêm từ 4-6 bệnh viện dã chiến với quy mô 2.000 giường bệnh cùng với 1 Trung tâm Hồi sức tích cực-Chống độc, 3 bệnh viện điều trị bệnh nặng.
Trong ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh này ghi nhận 40 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Cụ thể, TP.Vũng Tàu ghi nhận có 4 ca, huyện Long Điền có 32 ca, huyện Đất Đỏ có 3 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại Trường THCS Phước Thạnh. Thị xã Phú Mỹ có 1 ca ngoài cộng đồng là người về từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.
Như vậy, số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 28/6 đến nay là 2.627 ca. Số ca đã khỏi bệnh trong ngày là 82 người. Lực lượng chức năng đang tiến hành khẩn trương truy vết các F1, F2, F3. Số người đang cách ly tập trung là 1.931 trường hợp.
Bà Rịa-Vũng Tàu đang có kế hoạch sẽ mở thêm từ 4-6 bệnh viện dã chiến với quy mô 2.000 giường bệnh cùng với 1 Trung tâm Hồi sức tích cực-Chống độc, 3 bệnh viện điều trị bệnh nặng và hơn 10 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng đã có, quy mô 3.000 giường.
Đồng thời, ngành Y tế rất cần hỗ trợ xe 7-16 chỗ vận chuyển hàng hóa, đưa bệnh nhân ra viện (những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, xét nghiệm PCR âm tính) về nhà, bàn giao cho trạm y tế giám sát, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe…
|
|
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh- AFP: TTXVN. |
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 209,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 19/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 209.629.565 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.399.288 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 187.884.885 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 640.181 ca tử vong trong tổng số 37.909.829 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 432.834 ca tử vong trong số 32.295.224 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 570.718 ca tử vong trong số 20.417.204 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 61 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 977.600 ca tử vong trong hơn 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 964.300 ca tử vong trong trên 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận trên 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.800 người.
|
|
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN. |
Ngày 18/8, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 22.242 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ trước đến nay. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.466.512 ca. Trong số 13 bang, vùng lãnh thổ, 9 địa phương ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 chữ số và bang Selangor tiếp tục đứng đầu với 6.858 ca. Bang miền Đông Sabah và bang công nghiệp miền Bắc Penang ghi nhận kỷ lục mới khi lần lượt có thêm 2.413 ca và 1.867 ca. Biến thể Delta đang chiếm ưu thế tại quốc gia Đông Nam Á này.
Campuchia ghi nhận thêm 12 ca tử vong và 593 ca mới, gồm 189 ca nhập cảnh và 404 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 87.190 ca, trong đó 82.666 người đã hồi phục và 1.730 người tử vong. Tại Phnom Penh, từ nhiều ngày nay, chính quyền thủ đô liên tục phong tỏa các khu vực có ca nhiễm biến thể Delta. Ngày 18/8, thêm hai khu vực bị phong tỏa trong 14 ngày là khu nhà Usanna thuộc làng Samrong Teav và Prey Moul, phường Kraing Thnong, quận Sen Sok.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 11.085 ca mắc COVID-19 và 161 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1,776.495 và 30.623. Bộ Y tế Philippines cho biết số ca mới ghi nhận trong ngày 18/8 giảm là do 9 cơ sở xét nghiệm không gửi kết quả. Hiện thủ đô Manila vẫn là khu vực có số ca mới và số ca đang phải điều trị cao nhất tại Philippines.
Trong khi đó, Lào ghi nhận 381 ca mới, trong đó có 48 ca cộng đồng. Theo Bộ Y tế Lào, thời gian gần đây, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao khiến cho các khu vực đỏ trên cả nước tăng trở lại. Đáng chú ý là Savanankhet là tỉnh đang có diễn biến dịch phức tạp khi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 152 ca, trong đó có tới 44 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca bệnh tại Lào đã lên tới 11.029 ca, trong đó có 9 người tử vong.
|
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại San Juan, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN. |
Ấn Độ ghi nhận 35.178 ca nhiễm mới và 440 ca tử vong trong 24 giờ qua. Dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này đã tiêm 8,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 16/8, đạt mức kỷ lục và đang tăng tốc tới mục tiêu đến tháng 12 tiêm cho mọi công dân trưởng thành. Ấn Độ hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới với 554 triệu liều đã được phân phối. Như vậy khoảng 46% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm tối thiểu một liều vaccine. Nhưng chỉ có khoảng 13% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Tính đến cuối ngày 18/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 23.917 ca mới - con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 1.207.309 ca, bao gồm 712 ca trên tàu du lịch Dianmond Princess. Đáng chú ý, riêng trong ngày 18/8, đã có 24/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản ghi nhận số ca mới trong ngày cao kỷ lục. Số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mạnh với 1.716 ca, tăng 70 ca so với trước đó một ngày. Thủ đô Tokyo ghi nhận 5.386 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận ngày 13/8 vừa qua.
Tại New Zealand, một ngày sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern ban bố lệnh phong toả trên quy mô toàn quốc vì dịch COVID-19, nước này đã ghi nhận thêm 6 ca dương tính mới. Bà Ardern xác nhận New Zealand đang phải đối phó với biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh liên quan đến làn sóng dịch bệnh ở Australia.
Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong trong ngày 17/8, tức là cứ 1 giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh. Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong tháng qua và hiện nay ở mức trung bình 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Lần gần nhất Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 1.000 ca/ngày là vào tháng 3.
|
|
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN. |
Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 9.764 ca mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày trong 15 ngày, nâng tổng số lên 536.609 ca. Cuba cũng có thêm 68 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi lên mức 4.156 ca. Tỉnh Cienfuego đang là điểm nóng về dịch bệnh tại nước này khi ghi nhận 2.282 ca mới. Tỷ lệ lây nhiễm tại đây là 4.7 ca trên 100.000 dân, cao nhất nước.
Liên quan công tác nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 18/8 thông báo vaccine liều đơn Sputnik Light, do Viện Gamaleya của nước này phát triển, đạt hiệu quả bảo vệ tới 93,5% trong các cuộc thử nghiệm ở Paraguay.
Trích dẫn dữ liệu được Bộ Y tế Paraguay thu thập tới ngày 30/7, RDIF khẳng định vaccine đã cho thấy hiệu quả đối với trên 320.000 người. Việc sử dụng vaccine liều đơn Sputnik Light cho phép Paraguay rút ngắn thời gian tiêm chủng và tăng tốc độ hình thành miễn dịch cộng đồng. Khi lần đầu tiên được phê duyệt sử dụng hồi tháng 5, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả bảo vệ 79,4%.
Nhóm phóng viên